Chương trình hành động 686/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 686/CTR-UBND
Ngày ban hành 23/01/2024
Ngày có hiệu lực 23/01/2024
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Võ Ngọc Hiệp
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 686/CTr-UBND

Lâm Đồng, ngày 23 tháng 01 năm 2024

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 05/01/2024 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024.

Năm 2024, là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Dự báo tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo; tình hình trong nước và trên địa bàn tỉnh có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 01/NQ-CP); Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng - hệ thống chính trị năm 2024 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 28-NQ/TU); Nghị quyết 228/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triến kinh tế - xã hội năm 2024 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 228/NQ-HĐND) và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động, cụ thể như sau:

I. Mục tiêu, yêu cầu:

1. Mục đích:

1.1. Quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 28-NQ/TU và Nghị quyết 228/NQ-HĐND.

1.2. Chương trình hành động của UBND tỉnh thể hiện rõ, đầy đủ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và phân công cụ thể cho cơ quan, đơn vị chủ trì và cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, theo phương châm Chính phủ đề ra là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” và chủ đề của Tỉnh ủy xác định Trách nhiệm - Nêu gương - Kỷ cương - Hiệu quả.

2. Yêu cầu:

2.1. Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành và địa phương thường xuyên quán triệt, bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Nghị quyết của HĐND tỉnh; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra (chỉ tiêu cụ thể theo phụ lục I đính kèm). Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; chủ động, tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đại hội XIV của Đảng.

2.2. Phát huy lợi thế, tận dụng thời cơ, huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là tháo gỡ điểm nghẽn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

2.3. Chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chính sách. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm người đứng đầu; chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ và phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

2.4. Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa đồng bào dân tộc.

2.5. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kịp thời thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

II. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

1. Phát triển kinh tế ổn định, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước và giải ngân vốn đầu tư công:

1.1. Phát triển kinh tế ổn định, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước:

a) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố:

- Theo dõi chặt chẽ kết quả thu ngân sách nhà nước của từng địa phương, đơn vị; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tăng thu ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực thu từ đất, nhà. Quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao là 14.150 tỷ đồng; xây dựng kế hoạch tổ chức đấu giá quyền cho thuê các biệt thự, cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp cơ quan nhà nước.

- Rà soát, đôn đốc xử lý, thu nộp ngân sách nhà nước đối với khoản thu từ bồi thường giá trị tài nguyên rừng, tiền thuê nhà, thuê biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; tiền bán tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước; đôn đốc các đơn vị thực hiện nộp ngân sách Nhà nước theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước theo quy định.

- Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả theo dự toán giao; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chi chưa thực sự cần thiết để cân đối nguồn lực ưu tiên chi đầu tư phát triển, đặc biệt là các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu.

b) Cục thuế tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố:

- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 03/01/2023 của UBND tỉnh về triển khai nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy nhanh điện tử hóa quản lý thuế; chống thất thu thuế, quyết liệt thu hồi nợ đọng thuế.

- Triển khai kịp thời các chính sách thuế có hiệu lực từ đầu năm 2024 (thuế tối thiểu toàn cầu; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng; giảm thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng dầu; giảm mức thu một số loại phí, lệ phí;...), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện ổn định, nuôi dưỡng nguồn thu; đồng thời, đánh giá tác động ảnh hưởng của các chính sách giãn, giảm, miễn thuế trong năm 2024 để kịp thời có các biện pháp, giải pháp thu phù hợp.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh:

- Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

- Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, tiến tới sớm chấm dứt “tín dụng đen”.

d) Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố: Rà soát, rút kinh nghiệm và thực hiện ngay việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023; triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách nhà nước ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, quý đầu năm 2024.

[...]