Chương trình 12/CTr-UBND hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

Số hiệu 12/CTr-UBND
Ngày ban hành 11/01/2017
Ngày có hiệu lực 11/01/2017
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CTr-UBND

Hà Giang, ngày 11 tháng 01 năm 2017

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2017

Thực hiện Kết luận số 09-KL/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ; Nghị quyết 100/NQ-CP ngày 18/11/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng chương trình hành động với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Cụ thể hóa Kết luận số 09-KL/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII, gắn với việc triển, khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Tạo sự thống nhất của các cấp, các ngành trong việc quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ; Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2017.

2. Đổi mới, nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng văn hóa - TT và du lịch; đảm bảo an sinh xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

3. Đảm bảo đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân. Bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

4. Xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

II. CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU THỰC HIỆN TRONG NĂM 2017:

1. Về kinh tế: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt từ 7% trở lên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 22,2 triệu đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp trên 4.798 tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 1.936 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 8,100 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 500 triệu USD.

2. Về văn hóa - xã hội: Tỷ lệ huy động học sinh 6 đến 14 tuổi đến trường trong năm học 2017 - 2018 đạt trên 98,7%. Mức giảm tỷ lệ sinh 0,5%o; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,54%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi) còn 22,3%; 10,2 bác sỹ/vạn dân; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,2%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,2%; Tạo việc làm mới trên 16.200 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 49,3%.

3. Về chỉ tiêu đô thị, nông thôn, môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,3%. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 93,5%; Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch 90,5%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 76,9%. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới là 23 xã (thêm 07 xã công nhận mới).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch

Sở Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các thông tin, quy định mới của trung ương về công tác lập, phê duyệt quy hoạch để hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực theo đúng quy định hiện hành. Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa - TT và Du lịch khẩn trương hoàn thiện quy hoạch du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn và thành phố Hà Giang. Tập trung hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực tỉnh Hà Giang và phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố. Thực hiện công bố công khai quy hoạch theo đúng quy định hiện hành.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

- Các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và trình UBND Tỉnh phê duyệt các đề án ưu tiên theo Quyết định số 2907/QĐ-UBND ngày 23/11/2016 của UBND Tỉnh về phê duyệt đề án Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung xây dựng Chương trình và Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh, của nền kinh tế.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch và lộ trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tiếp tục triển khai cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết "02" của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức lại sản xuất cho nông dân đảm nâng cao giá trị thu hoạch trên/ha đất trồng cây hàng năm. Triển khai thực hiện phương án thí điểm phát triển chăn nuôi Lợn, gia cầm năm 2017. Tăng cường quản lý phát triển đàn ong nội gắn với quy hoạch cụ thể vùng phát triển cây bạc hà tại 4 huyện vùng cao phía Bắc góp phần quản lý và giữ vững chỉ dẫn địa lý, thương hiệu mật ong bạc hà Hà Giang. Đẩy mạnh chương trình trồng rừng sản xuất, khuyến khích nhân dân tự trồng và đưa trên 30% giống tốt vào trồng rừng mới để tăng sinh khối, nâng cao thu nhập từ nghề rừng.

Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND; đồng thời xem xét, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển cây, con giống, xử lý rủi ro, Tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; chính sách hỗ trợ phát triển HTX Nông nghiệp trên bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu đề xuất UBND Tỉnh mô hình quản lý, gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng.

- Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 01 triệu tấn xi măng giai đoạn 2017 - 2021 để hỗ trợ đầu tư hạ tầng nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hiệu quả, tránh bệnh thành tích. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Duy trì phát triển Quỹ phát triển xã, thôn, đầu tư có thu hồi; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đặc thù cho từng vùng theo hướng mở. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã đạt chuẩn và tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể cho 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.

- Sở Công thương chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đôn đốc và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào vận hành thêm 07 nhà máy thủy điện. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu Công nghiệp Bình Vàng, triển khai xây dựng quy hoạch chi tiết khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với nguồn nguyên liệu sẵn có. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư phát triển công nghệ chế biến tinh, sâu; Chuyển giao dây chuyền, thiết bị máy thu hoạch, sấy, đóng gói; đầu tư các nhà máy có quy mô lớn, công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chế biến gỗ, chè, dược liệu...

Tập trung triển khai thực hiện các dự án khu trung tâm cửa khẩu Thanh Thủy, khai thông các lối mở. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại biên giới, tổ chức thực hiện các chính sách phát triển Thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh theo Nghị Quyết 206/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

- Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn tập trung hoàn thành và công bố Quy hoạch phát triển du lịch Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và TP Hà Giang; tổ chức các hội nghị, tiếp xúc các nhà đầu tư để xúc tiến đầu tư phát triển du lịch đúng quy hoạch, phù hợp với khuyến cáo của đơn vị tư vấn. Chủ động tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành phố; xây dựng hoàn thiện thương hiệu du lịch, gắn với Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang. Liên kết, phối hợp với các tỉnh bạn và các đơn vị lữ hành trong nước và quốc tế xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, bền vững đồng thời đẩy mạnh quảng bá sản phẩm du lịch của tỉnh. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển du lịch.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê và các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát và cải tiến hệ thống các chỉ tiêu giao hàng năm theo hướng tập trung giao các chỉ tiêu chính thuộc các ngành, lĩnh vực. Các sở, ngành, địa phương căn cứ điều kiện thực tế sẽ cụ thể hóa kế hoạch, chương trình để triển khai, đảm bảo nâng cao trách nhiệm và tính chủ động cho các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Cục Thống kê chủ trì triển khai Tổng điều tra các cơ sở kinh tế năm 2017.

3. Phát huy nội lực, tăng cường các mối liên kết trong và ngoài tỉnh, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và cải thiện mạnh mẽ các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với các tỉnh Tuyên Quang, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chương trình hành động về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Thiết lập và thường xuyên cập nhật, công khai hệ thống thông tin về danh mục các dự án thu hút đầu tư; các cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, thông tin thị trường, thông tin về khả năng hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án khởi nghiệp và dự án của các nhà đầu tư. Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư lớn, chiến lược để thu hút đầu tư vào các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.

- UBND các huyện, thành phố tăng cường liên kết tạo thành vùng sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Tập trung chỉ đạo hoàn thành rà soát và chuyển đổi mô hình đối với các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012; ưu tiên phát triển các mô hình Hợp tác xã để tạo nguồn lực, khơi thông tín dụng phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa.

[...]