Chương trình 1179/CTr-BQP-BGDĐT năm 2022 phối hợp thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 1179/CTr-BQP-BGDĐT
Ngày ban hành 23/04/2022
Ngày có hiệu lực 23/04/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Quốc phòng
Người ký Nguyễn Kim Sơn,Nguyễn Tân Cương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ QUỐC PHÒNG -
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1179/CTr-BQP-BGDĐT

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO GIỮA BỘ QUỐC PHÒNG VÀ BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo giai đoạn 2022-2025, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tham mưu cho Đảng, Chính phủ thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) giai đoạn 2022-2025.

- Là cơ sở để Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch hằng năm theo chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ; để chỉ đạo, tổ chức, thực hiện và kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện.

2. Yêu cầu

- Tuân thủ theo đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi Bộ, Ngành.

- Hoạt động phối hợp được thực hiện có kế hoạch, bảo đảm thường xuyên, chặt chẽ, thống nhất, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh hình thức.

- Định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chương trình phối hợp, kịp thời điều chỉnh và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, giáo dục, đào tạo, giáo dục quốc phòng và an ninh

Phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu cho Đảng, Chính phủ trong nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác giáo dục, đào tạo, quân sự, quốc phòng; giáo dục QP&AN.

Phối hợp thực hiện tốt Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ Quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh và Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Xây dựng chiến lược, đề án, dự án, chương trình đào tạo

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với giáo dục, đào tạo trong các nhà trường Quân đội theo các quy định của Nhà nước; xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch đang triển khai; hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong Quân đội đến năm 2025; xây dựng và triển khai: “Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Xây dựng các đề án: “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2030”, “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN giai đoạn 2021-2030”, “Tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học trong Quân đội giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; các Đề án, Chương trình về dạy và học ngoại ngữ[1]; Đề án Đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở và nhiệm vụ giáo dục QP&AN. Tiếp tục triển khai thực hiện đổi mới quy trình, chương trình đào tạo đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội thời kỳ mới. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình đào tạo của từng khối ngành đối với các trình độ giáo dục đại học, bảo đảm thống nhất theo quy định chung và yếu tố bí mật quân sự.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng bổ sung danh mục ngành đào tạo trong các trường Quân đội, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân, yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và thông lệ quốc tế, bảo đảm liên thông trong các chương trình đào tạo trình độ đại học; mở mã ngành đào tạo mới, ngành mũi nhọn, chuyên sâu đào tạo các trình độ đại học phục vụ lĩnh vực quân sự, quốc phòng cho các nhà trường Quân đội. Thành lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo của từng khối ngành, hướng dẫn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, nhóm ngành cụ thể. Phối hợp ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của lĩnh vực quân sự, quốc phòng đối với các trình độ giáo dục đại học.

3. Công tác tuyển sinh quân sự

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn các nhà trường Quân đội thực hiện quy chế tuyển sinh đào tạo sau đại học và đại học, tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp và chỉ đạo các trường trong công tác tuyển sinh; xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe. Công khai thông tin tuyển sinh của các trường Quân đội trên Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cung cấp dữ liệu đăng ký xét tuyển cho các trường; tổ chức xét tuyển, lọc ảo và cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học vào các trường Quân đội.

Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác tuyển sinh đối với các nhà trường Quân đội; thống nhất quản lý, chỉ đạo các trường Quân đội trong công tác tuyển sinh. Chỉ đạo, hướng dẫn các trường Quân đội tổ chức tuyên truyền, hướng nghiệp, thu hút thí sinh dự tuyển; chỉ đạo Ban tuyển sinh quân sự các địa phương, đơn vị tổ chức sơ tuyển và hướng dẫn thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chỉ đạo các trường tiếp nhận hồ sơ sơ, xét duyệt và cập nhật thông tin thí sinh đủ tiêu chuẩn dự tuyển trên cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào; tiếp nhận dữ liệu đăng ký xét tuyển từ Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức xét tuyển, tham gia lọc ảo và cập nhật thông tin thí sinh xác nhận nhập học theo đúng chương trình phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

4. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác xét tặng, công nhận các chức danh, danh hiệu nhà giáo; phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác xét tặng danh hiệu và đạt chuẩn chức danh nhà giáo bảo đảm đúng tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định; triển khai thực hiện các đề án xây dựng đội ngũ nhà giáo. Bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục QP&AN các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và trung tâm giáo dục QP&AN.

Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, thực hiện tốt công tác tạo nguồn, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường Quân đội đạt chuẩn theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.

5. Công tác nghiên cứu khoa học

[...]