Chương trình 11/CTr-UBND năm 2022 hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 11/CTr-UBND
Ngày ban hành 05/07/2022
Ngày có hiệu lực 05/07/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/CTr-UBND

Lào Cai, ngày 05 tháng 7 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 20-NQ/TU NGÀY 17/01/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY LÀO CAI VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 20-NQ/TU), UBND tỉnh Lào Cai ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TU đảm bảo toàn diện, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.

- Đổi mới mọi mặt hoạt động trong quản lý, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thương mại điện tử,... hướng tới chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.

- Thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự chuyển biến rõ rệt của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ nội dung, nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện; phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm triển khai và đề ra lộ trình, thời gian hoàn thành.

- Quá trình triển khai thực hiện phải gắn với việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các chương trình, kế hoạch về chuyển đổi số của quốc gia.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện Chương trình hành động này đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Chuyển đổi nhận thức

- Thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương do người đứng đầu làm Trưởng ban, có sự tham gia của các đoàn thể.

- Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số.

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các kênh thông tin, tuyên truyền, các ấn phẩm, tài liệu, phóng sự, chương trình truyền thanh, truyền hình về chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ truyền thông mới và trên các mạng xã hội.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, giải đáp thắc mắc về chuyển đổi số; tôn vinh các mô hình thành công, các điển hình triển khai có hiệu quả.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, tạo sự thống nhất, quyết tâm hành động thực hiện chuyển đổi số.

- Phát huy tinh thần xung kích, nhiệt huyết có khả năng sáng tạo, nắm bắt công nghệ nhanh của lực lượng đoàn viên thanh niên trong triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân lên sàn thương mại điện tử, sử dụng các phương tiện thanh toán số, chuyển đổi số tại cấp xã,...

- Tổ chức cuộc thi về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi số đối với hoạt động của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật của tỉnh (đây là một trong những đầu mối của tỉnh tập hợp đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức trẻ).

2. Xây dựng thể chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản, các cơ chế chính sách để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đánh giá, phân tích cơ chế chính sách, kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện chuyển đổi số ở các tỉnh, thành phố khác để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh Lào Cai.

- Bổ sung chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số cho Sở Thông tin và Truyền thông theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ.

- Xây dựng và ban hành quy định của tỉnh về phát triển dữ liệu, dữ liệu mở, thu thập, cung cấp, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu số giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và mở dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp.

- Xây dựng và ban hành quy định về an toàn thông tin mạng, quy định về quản trị, giám sát và vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

- Các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể xây dựng, triển khai kế hoạch/chương trình chuyển đổi số của đơn vị.

[...]