Chương trình 03/CTr-UBND về xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang năm 2021

Số hiệu 03/CTr-UBND
Ngày ban hành 15/03/2021
Ngày có hiệu lực 15/03/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Văn Sơn
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CTr-UBND

Tuyên Quang, ngày 15 tháng 3 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2021

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2020

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chương trình hành động số 06/CT-UBND ngày 28/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ban hành Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 04/3/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 26/12/2019 về cải cách hành chính tỉnh Tuyên Quang năm 2020; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 15/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 344-KH/TU ngày 23/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 16/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

II. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Môi trường đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực: Năm 2019, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng dần, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 16; Chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) xếp thứ 36; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 26.

Tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện dự án tại tỉnh như: Công ty Cổ phần May Bắc Giang LGG; Tập đoàn FLC; Tập đoàn APEC; Tập đoàn TNG; Tập đoàn Mian Group; Tư vấn, hỗ trợ Công ty TNHH MTV thương mại Thiên Lâm tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh Xuân 2020; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đăng sản phẩm lên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang; Tư vấn về các tuyến, điểm du lịch, dịch vụ lưu trú, homestay cho du khách có nhu cầu tìm hiểu thông tin về du lịch Tuyên Quang; Đồng thời, cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh.

Tư vấn, hỗ trợ Công ty Cổ phần BSR Việt Nam về Dự án “Nhà máy xử lý chất thải thành phần hữu cơ và tạo điện năng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang” để vận động vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc.

Kết nối, tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc cũng như đón tiếp đoàn công tác của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tính từ đầu năm đến nay, tổ chức 10[1] cuộc gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh[2] gửi Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn khách nước ngoài, đoàn khách quốc tế để quảng bá, giới thiệu về tỉnh. Tổ chức/tham gia[3] giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tham dự Hội nghị, Hội thảo của các Bộ, ban, ngành tổ chức[4] nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến hợp tác đầu tư từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt Nam nước ngoài. Tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh Tuyên Quang - Lâm Đồng theo chương trình làm việc của Sở Công Thương Lâm Đồng. Đề nghị các Văn phòng, Trung tâm tại Trung Quốc và Hoa Kỳ tạo điều kiện giúp kết nối và giới thiệu quảng bá các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hai thị trường này.

Rà soát, bổ sung và chỉnh sửa danh mục dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020, đồng thời tổng hợp, xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm, các clip giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Nhật, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha,... để phục vụ công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (tiếng Anh, tiếng Việt) với 82 tin, bài và 535.515 lượt truy cập.

Kết quả, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2020 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 237 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 2.395 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.906 doanh nghiệp (bao gồm 13 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký 20.753 tỷ đồng. Chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 31 dự án với tổng số vốn đăng ký 4.466 tỷ đồng, nâng tổng số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lên 339 dự án với tổng số vốn 50.210 tỷ đồng.

III. HẠN CHẾ

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được mục tiêu về thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách (năm 2020 thu hút vốn đầu tư đạt 4.466/6.000 tỷ đồng đạt 74,43% so với mục tiêu đặt ra). Chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chưa triển khai được theo kế hoạch; chưa thu hút được dự án FDI quy mô lớn, công nghệ hiện đại; một số tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ nước ngoài đã chủ động điều chỉnh/chấm dứt/tạm hoãn[5] các hoạt động triển khai chương trình, dự án viện trợ.

IV. NGUYÊN NHÂN

Do ảnh hưởng của những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19; điều kiện kinh tế - xã hội, vị trí địa lý và nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn; vẫn còn cơ quan, đơn vị chưa nắm rõ các quy định về quản lý đoàn vào.

Do địa hình miền núi phức tạp, nằm xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, không có cảng biển, hàng không, cửa khẩu...

Phần thứ hai

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2021

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phương thức thiết thực hiệu quả.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

[...]