Chỉ thị 69-TTg năm 1970 về khuyến khích sử dụng các phế liệu và phế phẩm để sản xuất hàng tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 69-TTg
Ngày ban hành 24/04/1970
Ngày có hiệu lực 09/05/1970
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 1970 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG CÁC PHẾ LIỆU VÀ PHẾ PHẨM ĐỂ SẢN XUẤT HÀNG TIÊU DÙNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Từ năm 1960 đến nay, Chính phủ đã có nhiều quyết định cụ thể nhằm khuyến khích việc sử dụng các phế liệu và phế phẩm để sản xuất hàng tiêu dùng; Thông tư số 63-CP ngày 14-11-1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ tạm thời quản lý những hàng thiếu tiêu chuẩn, phế phẩm và phế liệu, Chỉ thị số 03-TTg ngày 08-01-1962 của Thủ tướng Chính phủ quy định chủ trương và biện pháp quản lý thị trường hàng công nghiệp trong đó có xác định quyền hạn và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất trong việc sử dụng các nguyên liệu không do Nhà nước quản lý, hoặc dùng phế liệu, phế phẩm không do Nhà nước thống nhất quản lý, để sản xuất ra hàng hóa được lưu thông tự do. Gần đây, Chỉ thị số 59-TTg/CN của Thủ tướng Chính phủ ngày 04-04-1967 cũng định rõ các biện pháp khuyến khích các cơ sở sản xuất tận dụng hơn nữa các loại nguyên liệu, vật liệu loại ra để sản xuất các mặt hàng cần thiết cho nhân dân.

Mặc dù đã có nhiều chế độ và chính sách khuyến khích như vậy, đến nay tình hình vẫn chưa chuyển biến được tốt hơn. Khối lượng và mặt hàng về phế liệu, phế phẩm có tăng lên vì sản xuất đang được khôi phục, phát triển, nhưng chưa được các cơ sở có phế liệu, phế phẩm đó tận dụng bằng mọi cách để sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới hoặc bán cho cơ sở sản xuất khác có nơi còn để ứ đọng, có bộ phận bị hủy hoại, bị mất mát, trong khi đó nhiều cơ sở sản xuất khác (kể cả quốc doanh và hợp tác xã) hoặc nhân dân cần đến thì vẫn không có để sản xuất hay để tiêu dùng. Các công ty phế liệu của thương nghiệp đã có nhiều cố gắng, nhưng gặp nhiều khó khăn, lúng túng và hiện nay không đủ sức để giải quyết việc lưu thông phân phối những loại vật tư này.

Để thực hiện chủ trương tận dụng mọi khả năng tiềm tàng hiện có, hết sức khuyến khích các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, mọi tầng lớp nhân dân (kể cả nghề phụ gia đình, nghề phụ nông thôn và người lao động thủ công cá thể) đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ quy định thêm một số điểm cụ thể dưới đây nhằm khuyến khích việc sử dụng phế liệu và phế phẩm có kết quả tốt nhất:

1. Trước tiên cần xác định rằng: phế liệu và phế phẩm (không sửa chữa được thành sản phẩm) mặc dù giá trị còn lại không đáng kể, nhưng về mặt kinh tế, các phế liệu, phế phẩm đó có giá trị bổ sung quan trọng và nếu biết tận dụng thì qua việc chế biến lại, có thể đạt giá trị kinh tế khá cao, thậm chí trên một số mặt có thể góp phần làm cho tình hình sản xuất và kinh doanh của một số xí nghiệp đỡ bị ứ đọng hàng, nhất là hàng kém phẩm chất. Vì lẽ đó:

Đối với cơ sở có phế liệu và phế phẩm, cần phải cố gắng trên hai mặt: một mặt, tìm cách tận dụng trong dây chuyền công nghệ của mình hoặc mở thêm phân xưởng phụ để sản xuất thêm mặt hàng phụ hoặc hợp tác sản xuất với các cơ sở sản xuất khác, với điều kiện không được để ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất mặt hàng chính của xí nghiệp. Mặt khác, đối với phế liệu và phế phẩm chưa tận dụng, thì hết sức khuyến khích, giúp đỡ những ai cần đến phế liệu và phế phẩm đó để sản xuất, bằng cách bán lại với giá cả phải chăng, cơ quan quản lý sản xuất cấp trên trực tiếp của đơn vị cơ sở quyết định vấn đề này.

Đối với phế liệu và phế phẩm trước đây đã được coi là nguồn cung cấp nguyên liệu thường xuyên cho cơ sở sản xuất khác (quốc doanh và hợp tác xã) thì nay vẫn cung cấp như cũ, không vì sản xuất các mặt hàng phụ của cơ sở sản xuất mình, mà đình chỉ việc cung cấp nguồn phế liệu và phế phẩm cho cơ sở sản xuất đó.

Trong mọi trường hợp, các cơ sở sản xuất không được để phế liệu và phế phẩm ứ đọng, nếu để phế liệu, phế phẩm hư hỏng thì giám đốc xí nghiệp phải chịu trách nhiệm và sẽ bị xử trí nghiêm khắc. Bộ chủ quản và Ủy ban hành chính địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc này.

Đối với cơ sở cần đến phế liệu và phế phẩm, cần mạnh dạn khuyến khích, giúp đỡ trong việc chọn lọc, vận chuyển, sử dụng, giá cả, tiêu thụ…tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhằm làm cho các cơ sở đó tận dụng tốt nhất phế liệu và phế phẩm để sản xuất ra hàng tiêu dùng.

2. Về quản lý phân phối phế liệu và phế phẩm

Việc phân phối phế liệu và phế phẩm giữa các cơ sở sản xuất quốc doanh với nhau (cả địa phương và trung ương) thì tiến hành ký kết hợp đồng trực tiếp dưới sự hướng dẫn của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố ở trong phạm vi một địa phương hoặc dưới sự hướng dẫn của Bộ và Tổng cục chủ quản nếu trong phạm vi nhiều địa phương.

Việc phân phối phế liệu và phế phẩm của các cơ sở sản xuất quốc doanh trung ương và địa phương (xí nghiệp, công trường, lâm trường, thương nghiệp) cho các hợp tác tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, hoặc bộ phận cá thể cần thiết thì thông qua sự quản lý và giới thiệu của cơ quan liên hiệp hợp tác xã tỉnh, thành phố (chủ yếu là quản lý kế hoạch phân phối) và sẽ tiến hành bằng những hợp đồng tiêu thụ trực tiếp và ký kết lâu dài, trừ loại nguyên liệu, vật liệu mà Nhà nước cần thống nhất quản lý, phân phối như: đồng, chì, nhôm, vàng, bạc, vải đầu mầu, những phế liệu được ghi vào tiêu chuẩn cung cấp chất đốt thì cơ sở sản xuất quốc doanh phải bán cho cơ quan có trách nhiệm kinh doanh thuộc ngành nội thương.

Một số loại phế liệu và phế phẩm của các cơ sở sản xuất quốc doanh mà trong địa phương mình không có điều kiện tận dụng hoặc không tận dụng hết, thì được phép bán cho các cơ sở sản xuất (quốc doanh, hợp tác xã) ở địa phương khác theo sự giới thiệu của sở, ty, quản lý nếu là xí nghiệp quốc doanh địa phương và của liên hiệp hợp tác xã nếu là hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Công ty phế liệu, phế phẩm của ngành nội thương thôi kinh doanh phần phế liệu và phế phẩm, trừ một số phế liệu Nhà nước thống nhất quản lý phân phối. Việc phân phối một số phế liệu mà Nhà nước thống nhất quản lý phân phối hiện nay vẫn do công ty phế liệu phế phẩm tiếp tục kinh doanh, sau này sẽ điều chỉnh nhiệm vụ này để giao lại cho cơ quan khác. Vì vậy, Công ty phế liệu phế phẩm sẽ đổi là công ty kinh doanh đồ cũ.

Giá bán phế liệu và phế phẩm cho các cơ sở sản xuất (xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp hoặc bộ phận cá thể cần thiết), phải bảo đảm nguyên tắc vừa nhằm hạn chế việc sinh ra phế liệu và phế phẩm, vừa nhằm khuyến khích việc tận dụng nó. Việc định giá bán phải được hai bên mua và bán thỏa thuận, được sự hướng dẫn của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý.

3. Về quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm bằng phế liệu và phế phẩm.

Đối với cơ sở sản xuất quốc doanh có tận dụng phế liệu và phế phẩm để sản xuất thêm mặt hàng phụ, thì áp dụng theo tinh thần Chỉ thị số 59-TTg/CN ngày 04-04-1967 của Thủ tướng Chính phủ. Để làm tốt việc này, nay quy định thêm một số điểm cụ thể sau đây: kế hoạch sản xuất và kinh doanh mặt hàng làm bằng phế liệu và phế phẩm (tự mình sản xuất toàn bộ hoặc hợp tác sản xuất với nhiều cơ sở khác) do đơn vị cơ sở xây dựng  và quyết định rồi báo cáo lên; kế hoạch sản xuất và kinh doanh đó phải được cơ quan chủ quản cấp trên (Ủy ban hành chính tỉnh,thành phố nếu là cơ sở sản xuất địa phương, Bộ và Tổng cục quản lý nếu là cơ sở sản xuất trung ương) biết để theo dõi và kiểm tra; kế hoạch đó là một bộ phận của kế hoạch giá trị tổng sản lượng của đơn vị cơ sở, nhưng những mặt hàng thuộc bộ phận này không thuộc chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước; lợi nhuận thu được trong việc kinh doanh các mặt hàng phụ, được để lại một phần lớn (từ 60 đến 80%) để thành lập quỹ sản xuất và để tăng thêm phần quỹ phúc lợi của xí nghiệp, phần còn lại nộp vào quỹ nộp lãi cho Nhà nước.

Nếu vì sản xuất các mặt hàng này nhằm tăng thêm của cải cho xã hội, mà đơn vị cơ sở (quốc doanh và hợp tác xã) phải cần thêm một số nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu thuộc Nhà nước thống nhất quản lý, hoặc thương nghiệp quốc doanh kinh doanh, thì trước tiên phải tìm các lấy ra trong nguồn vật tư đã được cung cấp mà mình tiết kiệm được, nếu còn thiếu, thì báo cáo lên cơ quan chủ quản cấp trên xin Nhà nước xét cung cấp. Ngành thương nghiệp quốc doanh có trách nhiệm bán trực tiếp loại nguyên liệu do mình kinh doanh cho đơn vị cơ sở hoặc cơ quan quản lý sản xuất cấp trên dự trù trực tiếp cho các đơn vị đó.

Trong thời gian từ 1 đến 3 năm, nếu vì cố gắng tranh thủ tận dụng phế liệu và phế phẩm để sản xuất ra mặt hàng phụ, mà tình hình kinh doanh có gặp khó khăn, đơn vị cơ sở (quốc doanh và hợp tác xã) có thể được xét hưởng chế độ hợp lý về thuế, thậm chí miễn thuế.

Những đơn vị, cá nhân có sáng kiến trong việc tận dụng phế liệu và phế phẩm, thì được xét khen thưởng, Bộ, Tổng cục quản lý và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét từng trường hợp cụ thể theo chế độ khen thưởng hiện hành.

Việc tiêu thụ sản phẩm do hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, tổ sản xuất cá thể sản xuất bằng phế liệu và phế phẩm, thì tùy theo tính chất quan trọng của từng loại nguyên liệu, từng loại mặt hàng mà mậu dịch quốc doanh có thể ký hợp đồng mua toàn bộ, mua một phần hoặc không mua. Đối với số còn lại, hợp tác xã được phép bán thẳng cho người tiêu dùng. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quy định cụ thể loại sản phẩm nào phải bán cho mậu dịch quốc doanh, loại sản phẩm nào bán thẳng cho người tiêu dùng. Liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn các hợp tác xã bán sản phẩm cho người tiêu dùng.

Giá thương nghiệp quốc doanh thu mua sản phẩm sản xuất bằng phế liệu và phế phẩm của các cơ sở sản xuất (quốc doanh và hợp tác xã) là phải vừa bảo đảm bù đắp đủ chi phí sản xuất, vừa có lợi cho cơ sở sản xuất, vừa có lợi cho người tiêu dùng, và phải do hai bên mua và bán thỏa thuận định giá, dưới sự hướng dẫn của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố hoặc cơ quan liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tỉnh, thành phố.

4. Đối với đồ nát, đồ cũ trong cơ quan Nhà nước hoặc trong nhân dân thải ra mà xét còn dùng được vào sản xuất, như đồ dùng bằng nhựa, đồ dùng bằng kim loại cũ hỏng, sách báo cũ v.v…thì các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, tổ sản xuất được phép tổ chức thu mua trực tiếp, dưới sự hướng dẫn của cơ quan liên hiệp hợp tác xã tỉnh, thành phố hoặc do cơ quan liên hiệp hợp tác xã tỉnh, thành phố tổ chức thu mua rồi phân phối lại cho các cơ sở sản xuất.

Các Bộ và Tổng cục quản lý sản xuất, Bộ Tài chính, Bộ Nội thương, Ban liên hiệp hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp trung ương và Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện chỉ thị này một cách tích cực, khẩn trương, trên tinh thần hết sức khuyến khích, giúp đỡ các cơ sở sản xuất tận dụng phế liệu và phế phẩm để sản xuất ra hàng tiêu dùng. Văn phòng kinh tế Phủ Thủ tướng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc và kiểm tra việc thi hành chỉ thị này.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị

[...]