Chỉ thị 488-TTg năm 1958 về chấn chỉnh tổ chức lãnh đạo Hợp tác xã mua bán do Phủ Thủ Tướng ban hành.

Số hiệu 488-TTg
Ngày ban hành 05/11/1958
Ngày có hiệu lực 20/11/1958
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 488-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1958 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHỈNH TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO HỢP TÁC XÃ MUA BÁNCHẤN

Cuối năm 1955, kết hợp với phong trào cải cách ruộng đất, Chính phủ đã chính thức ban hành quy tắc tổ chức Hợp tác xã mua bán để hướng dẫn việc xây dựng và phát triển Hợp tác xã mua bán theo đúng đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ.

Trong quá trình hoạt động ba năm qua, Hợp tác xã mua bán tuy có mắc một số khuyết điểm, nhưng nói chung đã đạt được những thành tích nhất định trong việc tổ chức nông dân đi vào con đường tập thể trên lĩnh vực cung cấp và tiêu thụ hàng hóa, phục vụ sản xuất và cải thiện một phần đời sống cho xã viên, trong việc giúp sức Mậu dịch quốc doanh bình ổn vật giá, quản lý thị trường, góp phần cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thô

Đến nay, hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng, Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã mua bán đang song song phát triển ở thị trường nông thôn. Tình hình đó đòi hỏi trước mắt phải thực hiện thống nhất lãnh đạo về chính sách, thống nhất quản lý về kế hoạch và nghiệp vụ kinh doanh, hợp lý hóa tổ chức của toàn bộ hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, giải quyết đúng đắn vấn đề phân công phối hợp giữa hai ngành, làm cho lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa thực sự được tăng cường mà vẫn tiết kiệm được cán bộ, vốn, lưới mua bán, đồng thời phát huy được đầy đủ tính tích cực của mỗi tổ chức, làm cho Hợp tác xã mua bán thực sự là cánh tay đắc lực của Mậu dịch quốc doanh ở thị trường nông thôn trong việc phục vụ sản xuất, phục vụ hợp tác hóa, bình ổn vật giá, quản lý thị trường, cải tạo tư thương.

Nhằm mục đích đó, Thủ tướng phủ quy định việc chấn chỉnh tổ chức lãnh đạo và tổ chức kinh doanh của Hợp tác xã mua bán như sau:

1) Về mặt lãnh đạo, Hợp tác xã mua bán trước hết vẫn là một tổ chức quần chúng, nên phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Nhà nước hết sức khuyến khích và giúp đỡ Hợp tác xã mua bán.

Nhưng mặt khác, Hợp tác xã mua bán là một tổ chức thương nghiệp, nên nói chung phải chịu sự lãnh đạo của cơ quan Thương nghiệp Nhà nước về các mặt thi hành đường lối, chính sách thương nghiệp, chính sách giá cả và kế hoạch hàng hóa. Hợp tác xã mua bán quan hệ với Mậu dịch quốc doanh về mặt kinh doanh thông qua chế độ hợp đồng.

Về mặt tổ chức, trước đây, ở cấp trung ương, Chính phủ thành lập Cục Quản lý Hợp tác xã mua bán trực thuộc Thủ tuớng phủ, từ nay sẽ chuyển cơ quan đó sang trực thuộc Bộ Thương nghiệp, Chính phủ lãnh đạo công tác Hợp tác xã mua bán qua Bộ Thương nghiệp. Ở các tỉnh, thành, Khu Tự trị, các Phân cục, Chi cục quản lý Hợp tác xã mua bán từ nay sẽ sát nhập vào các Sở, Ty Thương nghiệp (hay Công thương), Ủy ban Hành chính sẽ thông qua các Sở, Ty Thương nghiệp (hay Công thương) để lãnh đạo công tác Hợp tác xã mua bán.

Đối với các Hợp tác xã mua bán cơ sở, việc lãnh đạo do Ủy ban Hành chính huyện trực tiếp phụ trách. Các Sở, Ty Thương nghiệp (hay Công thương) thông qua các Ban Vận động hay Ban Quản lý Hợp tác xã mua bán thành, tỉnh để hướng dẫn, giúp đỡ các Hợp tác xã cơ sở kinh doanh theo đúng đường lối, chính sách và kế hoạch thương nghiệp của Nhà nước.

2) Về mặt tổ chức và quản lý kinh doanh. Do tính chất và nội dung hoạt động của những đơn vị kinh doanh thuộc hai cấp tổng xã và tỉnh xã căn bản không khác gì các tổ chức Mậu dịch quốc doanh, cho nên để tránh tình trạng dẫm chân lên nhau, để hợp lý hóa tổ chức, đồng thời tăng cường sự giám đốc của Nhà nước, từ nay, về danh nghĩa, các tổ chức đó vẫn là của ngành Hợp tác xã mua bán, song về thực tế, đều chịu sự thống nhất quản lý về các mặt của cơ quan Thương nghiệp Nhà nước, như Mậu dịch quốc doanh.

Bộ Thương nghiệp cần nghiên cứu quy định gấp phạm vi kinh doanh thích hợp cho các cấp tổng xã và tỉnh xã. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng quốc gia Việt Nam xét cấp vốn và cho vay đối với các đơn vị kinh doanh đó như đối với Mậu dịch quốc doanh.

Hợp tác xã cơ sở vẫn giữ nguyên tính chất là một tổ chức quần chúng, vẫn là những đơn vị hạch toán kinh tế độc lập, vẫn được sự hướng dẫn, giúp đỡ và chịu sự kiểm soát của tỉnh xã, tổng xã về các mặt tổ chức và giáo dục xã viên, đào tạo cán bộ, nghiệp vụ kinh doanh, quản lý tài sản, quản lý tài vụ v.v… đồng thời chịu sự lãnh đạo về mặt đường lối, chính sách và kế hoạch thương nghiệp của các cơ quan Thương nghiệp Nhà nước.

Bộ Thương nghiệp cần cùng Ban Vận động Hợp tác xã mua bán nghiên cứu giải quyết kịp thời những mắc mứu còn tồn tại đến nay giữa các Hợp tác xã cơ sở và các tổ chức Mậu dịch quốc doanh, quy định rõ sự phân công, điều chỉnh sắp xếp lại màng lưới của hai tổ chức đó ở thị trường sơ cấp cho hợp lý.

Việc kiện toàn tổ chức lãnh đạo và hợp lý hóa tổ chức kinh doanh của Hợp tác xã mua bán như trên đây là cần thiết. Song khi tiến hành cần phải thận trọng, làm từng bước, tránh tình trạng vì việc chấn chỉnh tổ chức mà để ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng cán bộ và đến việc kinh doanh hiện có của các cấp Hợp tác xã.

Nhận được chỉ thị này, Bộ Thương nghiệp cần phối hợp với Ban Vận động Hợp tác xã mua bán toàn quốc tổ chức việc phổ biến cho cán bộ phụ trách các ngành Thương nghiệp, Mậu dịch quốc doanh và Hợp tác xã ở các cấp trung ương tỉnh, thành, Khu Tự trị, làm cho cán bộ phụ trách ấy nắm vững mục đích, ý nghĩa và nội dung của bản chỉ thị này, tăng cường sự lãnh đạo tổ chức Hợp tác xã mua bán của Đảng và Chính phủ, và thảo luận kỹ kế hoạch cụ thể nhằm thi hành chỉ thị từng bước. Sau đó mới phổ biến rộng rãi cho toàn thể cán bộ thương nghiệp, mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã.

Các Ủy ban Hành chính địa phương cần căn cứ vào chỉ thị này và vào chỉ thị cụ thể của Bộ Thương nghiệp để lãnh đạo công tác Hợp tác xã cho đúng; cần hết sức coi trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ mậu dịch và hợp tác xã ở tỉnh và cơ sở, giải quyết kịp thời những thắc mắc của anh chị em, động viên mọi người tích cực xây dựng tổ chức, làm tròn nhiệm vụ để thiết thực góp phần vào việc tăng cường lực lượng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, nhằm phục vụ sản xuất phục vụ dân sinh, phục vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

 

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 


 
Phạm Văn Đồng