Chỉ thị 43-TTg/VG năm 1968 về việc đẩy mạnh công tác dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp, trong cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế và trong công nhân kỹ thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 43-TTg/VG
Ngày ban hành 11/04/1968
Ngày có hiệu lực 26/04/1968
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43-TTG/VG

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 1968 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG, CÁC TRƯỜNG CHUYÊN NGHIỆP, TRONG CÁN BỘ KHOA HỌC,KỸ THUẬT, KINH TẾ VÀ TRONG CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

Trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng và đã thu được những thành tích đáng kể trong công tác dạy và học ngoại ngữ. Tới nay, số trường có dạy ngoại ngữ đã tăng lên nhiều. Nhiều trường đã tích lũy được những kinh nghiệm tốt trong việc dạy và học ngoại ngữ. Đội ngũ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ và cán bộ giảng dạy ngoại ngữ và cán bộ phiên dịch có trình độ đại học, cũng như đội ngũ những người làm công tác khoa học, kỹ thuật, kinh tế biết ngoại ngữ đã tăng lên nhanh chóng. Những thành tích đó đã góp phần nâng cao, trình độ nghiệp vụ, trình độ khoa học, kỹ thuật của cán bộ, góp phần đẩy mạnh các mặt công tác giảng dạy, nghiên cứu, sản xuất, chiến đấu và đối ngoại.

Tuy nhiên, công tác dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng. Cán bộ giảng dạy ngoại ngữ, cán bộ phiên dịch đang thiếu nghiêm trọng, số cán bộ ngoại ngữ có trình độ cao còn quá ít. Số cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế sử dụng được ngoại ngữ trong công tác chuyên môn chưa nhiều.

Việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông và chuyên nghiệp thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ trên xuống dưới. Chương trình dạy ngoại ngữ ở các cấp học chưa hợp lý và thường bị từng trường tự ý thay đổi. Phong trào tự học ngoại ngữ trong cán bộ chưa được tổ chức, chỉ đạo và khuyến khích thích đáng. Chúng ta chưa có phương hướng, kế hoạch và biện pháp cụ thể để đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ.

Nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót nói trên là các ngành, các cấp chưa nhận thức được đúng đắn vai trò và tác dụng của ngoại ngữ đối với sự nghiệp cách mạng văn hóa, khoa học, kỹ thuật của nước ta. Các cơ quan giáo dục chưa làm cho mọi người thấy rõ ngoại ngữ là một phần không thể thiếu được trong nền giáo dục phổ thông. Lãnh đạo các ngành, các cấp chưa thấy rõ ngoại ngữ là một công cụ giúp cho cán bộ tiếp thu nhanh chóng và trực tiếp những thành tựu khoa học, kỹ thuật thế giới.

Để chấn chỉnh và tăng cường công tác dạy và học ngoại ngữ, Thủ tướng Chính phủ quy định một số nhiệm vụ và biện pháp cụ thể sau đây:

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ

Về lâu dài, phấn đấu dạy hai ngoại ngữ trong các trường phổ thông và trong các trường chuyên nghiệp, đồng thời phổ cập nhiều ngoại ngữ trong đông đảo cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế và trong công nhân kỹ thuật đã có trình độ văn hóa khá. Trong các thứ tiếng của phe xã hội chủ nghĩa, cần chú trọng tiến Nga và tiếng Trung Quốc. Trong các thứ tiếng của các nước phương Tây, chú trọng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ngoài ra, cần chú ý một số tiếng khác như tiếng Tây Ban Nha, Nhật, Đức, Triều Tiên, Ả Rập, Campuchia….

Phải ra sức xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ và cán bộ phiên dịch tương đối hoàn chỉnh, có phẩm chất chính trị tốt và giỏi về nghiệp vụ.

Trước mắt, việc dạy và học ngoại ngữ cần làm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của ta.

Ở các trường đại học, cần tăng cường dạy và học một trong hai thứ tiếng Nga hoặc Trung Quốc. Cần ra sức nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời tích cực chuẩn bị để dạy thêm tiếng Anh và tiếng Pháp. Đối với một số trường nhất định, tùy theo mục tiêu đào tạo, có thể dạy các thứ tiếng khác. Trong vòng 5 đến 10 năm, phấn đấu dạy và học hai ngoại ngữ có tất cả các trường đại học: một thứ tiếng của phe xã hội chủ nghĩa, một thứ tiếng của các nước phương Tây. Trong hai ngoại ngữ, một được coi là chính, một là phụ. Đối với thứ tiếng chính, sinh viên tốt nghiệp ra trường phải đạt yêu cầu: đọc, nghe, dịch, nói và viết được tương đối thạo. Đối với thứ tiếng phụ, chỉ cần đọc và hiểu được sách, báo chuyên môn.

Đối với các trường trung học chuyên nghiệp trước mắt cần dạy và học một trong hai thứ tiếng, tiếng Nga hoặc tiếng Trung Quốc, ở những trường có điều kiện. Học sinh tốt nghiệp ra trường phải đọc và hiểu được sách, báo chuyên môn. Trong vòng 5 đến 10 năm, phấn đấu dạy và học một ngoại ngữ ở tất cả các trường trung học chuyênn ghiệp và hai ngoại ngữ ở một số trường có điều kiện.

Ở các trường phổ thông, phấn đấu trong vòng 5 đến 10 năm, dạy và học hai ngoại ngữ ở tất cả các trường cấp III và một ngoại ngữ ở tất cả các trường cấp II. Trước mắt cần dạy và học một trong hai thứ tiếng, tiếng Nga hoặc tiếng Trung Quốc, ở tất cả các trường cấp III, đồng thời phải tích cực chuẩn bị để dạy thêm tiếng Anh và tiếng Pháp. Học sinh tốt nghiệp cấp III phải nắm được nhữngk iến thức tối thiểu về ngữ pháp cơ bản, về từ vựng và về ngữ âm cơ bản, đọc và hiểu được các truyện ngắn hoặc bài báo hàng ngày và có cơ sở để tự học thêm. Việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường cấp II cần được mở rộng dần, trước hết ở các trường thuộc các thành phố, thị xã, thị trấn lớn và ở các trường nội trú.

Đối với cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, cần phát triển phong trào tự học ngoại ngữ một cách mạnh mẽ và vững chắc để từ 5 đến 10 năm sau, tất cả cán bộ đều sử dụng được một ngoại ngữ và nhiều cán bộ sử dụng được từ 2 ngoại ngữ trở lên.

MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ ĐẨY MẠNH VIỆC DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ

1. Trước hết cần làm cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa thực tiễn của việc biết ngoại ngữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Lãnh đạo các ngành, các cấp cần nhận thức một cách sâu sắc hơn vị trí và tác dụng của việc dạy và học ngoại ngữ trong cuộc cách mạng văn hóa, khoa học, kỹ thuật và trong nền giáo dục phổ thông và chuyên nghiệp để tăng cường việc lãnh đạo học và dạy ngoại ngữ trong các trường và trong cán bộ khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa thực tiễn của việc biết ngoại ngữ trong đông đảo sinh viên và cán bộ. Bộ Giáo dục cần làm cho học sinh và phụ huynh học sinht hấy rõ ngoại ngữ là một phần không thể thiếu được trong nền giáo dục phổ thông.

2. Ra sức xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ vững mạnh.

Biện pháp quan trọng hàng đầu để mở rộng việc dạy ngoại ngữ là nhanh chóng xây dựng cho được đội ngũ cán bộ giảng dạy có phẩm chất tốt, giỏi về ngoại ngữ và về phương pháp giảng dạy. Phải phấn đấu trong vòng 5 đến 10 năm có đủ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ ở tất cả các trường phổ thông và trường chuyên nghiệp. Để làm tốt việc này, cần tích cực tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy của hai trường đại học ngoại ngữ và đại học sư phạm ngoại ngữ bằng cách tập trung về những cán bộ giảng dạy ngoại ngữ giỏi và giữ lại trường những sinh viên tốt nghiệp thuộc loại giỏi để bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy. Ngoài ra, hàng năm cần có kế hoạch gửi lưu học sinh sang các nước anh em học về các thứ tiếng mà ta chưa có điều kiện dạy ở trong nước hoặc ta đã có dạy nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo cán bộ về số lượng và chất lượng. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần tính toán định chỉ tiêu đào tạo cán bộ nhằm tăng nhanh đội ngũ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ và cán bộ phiên dịch. Trong việc tuyển sinh, chú ý chọn những học sinh có năng khiếu về ngoại ngữ.

Trong những năm trước mắt, trường đại học ngoại ngữ và trường đại học sư phạm ngoại ngữ cần hết sức mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, đồng thời chú ý đào tạo cán bộ giảng dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Đức. Cần nghiên cứu cải tiến chương trình dạy và học ngoại ngữ và tăng thời gian đào tạo lên 5 năm. Hai trường cần nghiên cứu áp dụng một cách sáng tạo những phương pháp dạy và học ngoại ngữ tiên tiến nhất đồng thời tiến hành nghiên cứu những đề mục khoa học nhằm nhanh chóng mở rộng và nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ Giáo dục cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ giảng dạy ngoại ngữ hiện có, bằng cách luân phiên cho giáo viên đi dự những lớp bồi dưỡng để nâng lên trình độ đại học 5 năm, lựa chọn một số cán bộ có triển vọng gửi ra nước ngoài học về từng thứ ngoại ngữ ở trình độ trên đại học, mời một số chuyên gia ngoại ngữ của các nước bạn để bồi dưỡng cán bộ giảng dạy của ta về ngoại ngữ và về phương pháp dạy và học ngoãi ngữ, tổ chức những hội nghị chuyên đề nhằm tổng kết kinh nghiệm tốt về dạy và học ngoại ngữ ở các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp và có kế hoạch phổ biến rộng rãi những kinh nghiệm đó tới cán bộ giảng dạy, tổ chức những đoàn tham quan, khảo sát về cách tổ chức dạy và học ngoại ngữ của nước ngoài.

Song song với việc bồi dưỡng về nghiệp vụ, cần có kế hoạch bồi dưỡng cán bộ giảng dạy ngoại ngữ về chính trị và về các kiến thức khoa học cần thiết.

3. Thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ.

Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp và Bộ Giáo dục cần phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu và ban hành chương trình tiêu chuẩn về môn ngoại ngữ cho các trường và lớp, nghiên cứu quy định các thứ ngoại ngữ được dạy ở các loại trường và lớp khác nhau, quy định số giờ học đối với từng lớp, từng cấp học, tổ chức biên soạn và phát hành rộng rãi những loại sách giáo khoa và sách phổ thông về ngoại ngữ. Cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo chặt chẽ việc cải tiến chương trình và phương pháp dạy học và học từng ngoại ngữ thích hợp với người Việt Nam.

4. Trang bị cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các trường và lớp có dạy ngoại ngữ.

Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp cần nghiên cứu kế hoạch trang bị dần cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các trường có dạy ngoại ngữ, phù hợp với điều kiện và khả năng của ta. Trước mắt, cần trang bị cho trường đại học ngoại ngữ và trường đại học sư phạm ngoại ngữ những thiết bị hiện đại cần thiết cho việc dạy và học ngoại ngữ theo phương pháp tiên tiến nhất. Hai Bộ cần nghiên cứu việc sản xuất những thiết bị đó ở trong nước để có thể nhanh chóng tiến tới cung cấp đầy đủ cho các trường khác. Hai trường cần xây dựng thư viện có đủ các loại giáo trình, sách giáo khoa, tư liệu và báo chí nước ngoài cần thiết cho việc dạy và học ngoại ngữ.

Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và Ủy ban Khoa học xã hội có trách nhiệm tổ chức biên soạn các sách từ điền về một số ngoại ngữ.

[...]