Chỉ thị 43/2007/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 43/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 26/11/2007
Ngày có hiệu lực 06/12/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Minh Ánh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2007/CT-UBND

Tam Kỳ, ngày 26 tháng 11 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN VÀ VẬT LIỆU NỔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thời gian vừa qua, việc quản lý khai thác khoáng sản và vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh còn lỏng lẽo, có nhiều bất cập. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn tái diễn ở nhiều địa phương, đặc biệt là đào đãi vàng gốc và vàng sa khoáng ở các huyện: Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước; khai thác cát sỏi lòng sông ở Điện Bàn, Núi Thành, Tam Kỳ, … Tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, ngân sách thất thu, môi trường bị ảnh hưởng nặng nề. Đối với các đơn vị đã được cấp giấy phép, việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) cũng còn nhiều sai phạm như khai thác đá ở xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành và một số đơn vị khai thác vàng gốc quy mô tận thu, có nơi gây mất an ninh nghiêm trọng như khai thác vàng gốc khu vực G.21, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn.

Còn những tồn tại này là do các ngành chức năng liên quan ở tỉnh và các huyện chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và vật liệu nổ, chính quyền địa phương một số nơi còn buông lõng công tác quản lý, một số nơi chỉ xử phạt vi phạm hành chính để thu ngân sách, không cương quyết đẩy đuổi các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; có nơi chính quyền địa phương các xã còn thỏa thuận cho khai thác để thu lệ phí.

Để chấn chỉnh, lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và vật liệu nổ trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Giao Công an tỉnh chủ trì cùng với UBND các huyện liên quan và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức lực lượng, mở đợt ra quân truy quét, giải tỏa ngay các tụ điểm khai thác vàng trái phép (kể cả vàng sa khoáng) đang tập trung tại các huyện: Phước Sơn (Phước Thành, Phước Kim, Phước Hiệp), Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, làm trong sạch địa bàn; tịch thu tang vật và xử lý nghiêm các chủ bãi, chủ bưởng, các đối tượng buôn bán vật liệu nổ và chất độc Xianua trái phép. Báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh trước ngày 15/01/2008.

2. Chủ tịch UBND các huyện có liên quan chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã có liên quan chấm dứt, hủy bỏ ngay các hợp đồng khai thác khoáng sản trái pháp luật và nghiêm cấm tổ chức thu đóng góp của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp; chỉ đạo các ngành chức năng ở địa phương phối hợp với các đơn vị của tỉnh trong các đợt truy quét, giải tỏa các tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn.

UBND các huyện, thành phố: Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc chỉ đạo kiểm tra, đẩy đuổi ngay các tàu thuyền khai thác, hút cát, sỏi trái phép trên sông, xử phạt nghiêm khắc các chủ tàu vi phạm.

3. Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các đơn vị sử dụng VLNCN có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu sai phạm nghiêm trọng thì tạm đình chỉ, báo cáo UBND tỉnh thu hồi ngay giấy phép sử dụng VLNCN đã cấp. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho những người làm công tác liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp ở các đơn vị; hướng dẫn quy trình, hồ sơ, sổ sách quản lý, sử dụng VLNCN để các đơn vị áp dụng thực hiện; quản lý chặt chẽ, không để thất thoát vật liệu nổ ra bên ngoài.

4. Về quy hoạch khai thác khoáng sản và quy hoạch khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản:

Giao Sở Công nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tập trung, sớm hoàn thành việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh trên địa bàn tỉnh (trừ khoáng sản vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng) trên cơ sở cập nhật, chỉnh lý, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản đã có (năm 1998 và các quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt); Sở Xây dựng chủ trì lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh. Thời gian hoàn thành quy hoạch nêu trên chậm nhất trong quý III năm 2008. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện.

Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành công tác khoanh vùng các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, chậm nhất trong quý I năm 2008.

5. Sở Tài chính cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản, để lại phục vụ cho công tác kiểm tra, truy quét của các đoàn kiểm tra.

Trong khi chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quy chế đấu thầu khai thác khoáng sản, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng quy định tạm thời về việc thu và quản lý, sử dụng nguồn thu đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó quy định mức giá sàng đóng góp, quy trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tỷ lệ điều tiết, quản lý, sử dụng nguồn thu, trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện. Thời gian hoàn thành chậm nhất trong quý I năm 2008.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các địa phương liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị đã được cấp giấy phép. Đơn vị nào không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, khai thác ngoài vị trí được cấp phép, để gây ô nhiễm môi trường, gây mất an toàn, an ninh trật tự nghiêm trọng thì tạm đình chỉ ngay, báo cáo UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản đã cấp.

Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan phải xem xét chặt chẽ; chỉ ưu tiên giải quyết cấp phép cho các trường hợp có đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh, làm ra sản phẩm có giá trị cao; không giải quyết cấp giấy phép khai thác để xuất bán nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế.

Đối với việc tận thu khoáng sản vàng ở các khu vực đã được bàn giao, cho phép tỉnh quản lý, cấp giấy phép, phải xem xét kỹ năng lực, phương án tổ chức sản xuất và tổ chức đấu giá để xét chọn, không để tình trạng lợi dụng giấy phép được cấp để tổ chức bán bãi, chia bãi kiếm lợi nhuận, dẫn đến tranh giành, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường như ở một số đơn vị trong thời gian qua.

Giám đốc các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Ánh