Chỉ thị 41/CT-UBND năm 2007 tăng cường công tác phòng, chống dịch Tiêu chảy cấp do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 41/CT-UBND
Ngày ban hành 06/11/2007
Ngày có hiệu lực 06/11/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/CT-UBND

Huế, ngày 06 tháng 11 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH TIÊU CHẢY CẤP

Trong thời gian vừa qua, ở 11 tỉnh, thành phố (chủ yếu miền Bắc và Bắc miền Trung) đã có gần 800 người mắc bệnh Tiêu chảy cấp. Đây là một loại dịch làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tại tỉnh ta, mặc dù chưa có dịch xảy ra nhưng do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, lũ lụt liên tiếp diễn ra và kéo dài đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân (nhất là đối với những vùng thấp trũng), nguy cơ phát sinh các loại dịch, bệnh rất cao (trong đó có dịch Tiêu chảy cấp).

Để chủ động đối phó với dịch Tiêu chảy cấp, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1638/CĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2007 và Bộ Y tế tại Công điện khẩn số 70/CĐ- BYT ngày 31 tháng 10 năm 2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Y tế chịu trách nhiệm:

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế thành phố Huế, các huyện và các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp để chủ động phòng, chống dịch; thu dung và điều trị kịp thời những người mắc bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng và dập tắt các ổ dịch, không để dịch lây lan…

- Phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, các huyện và các cơ quan liên quan: hướng dẫn cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể chấp hành nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của Pháp luật; chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra thường xuyên các nguồn nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân tiệt trùng, khử khuẩn nước sinh hoạt và môi trường xung quanh theo đúng quy định của Bộ Y tế…

- Thành lập và chỉ đạo các đội cơ động chống dịch; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị để hỗ trợ và cung cấp kịp thời cho các cơ sở y tế trong phòng, chống dịch.

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc chuẩn bị đủ thuốc, dịch truyền để điều trị kịp thời, hiệu quả các trường hợp mắc bệnh; thực hiện nghiêm túc việc phòng lây nhiễm tại các cơ sở này và hạn chế chuyển tuyến điều trị…

2. Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện chịu trách nhiệm:

- Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn hướng dẫn nhân dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn làm vệ sinh môi trường nơi cư trú, nơi kinh doanh.

- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng và Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp để phòng chống dịch; khoanh vùng và dập tắt ổ dịch khi có dịch xảy ra.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để dịch lan rộng trên địa bàn phụ trách.

3. Sở Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm: phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cung cấp đầy đủ các thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch tới từng người dân trong cộng đồng.

4. Đề nghị Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế và các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh dự trữ cơ số thuốc và sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.

5. Đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế và yêu cầu Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh:

- Dành thời lượng để tuyên truyền sâu rộng đến người dân về 04 khuyến cáo của ngành y tế cho cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh tiêu chảy: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch; báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất khi có người mắc bệnh để được điều trị kịp thời.

- Phổ biến nội dung Chỉ thị này để giúp người dân, các cấp, các ngành chủ động trong phòng, chống dịch Tiêu chảy cấp.

6. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn căn cứ chức năng, nhiệm vụ để chủ động lập kế hoạch phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức của đơn vị thực hiện các biện pháp trong phòng chống dịch tại gia đình, nơi công sở.

7. Sở Tài chính chịu trách nhiệm cân đối và bố trí ngân sách để các cấp, các ngành chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch.

8. Đề nghị nhân dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Tiêu chảy cấp (giữ vệ sinh ăn uống và sinh hoạt, không ăn các loại thức ăn dễ gây ra dịch bệnh như tiết canh, gỏi hải sản, rau sống, uống nước chưa đun sôi…); tăng cường làm sạch vệ sinh môi trường xung quanh…

9. Giao trách nhiệm Sở Y tế theo dõi, hướng dẫn và tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị của các cấp, các ngành về Ủy ban Nhân dân tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, các huyện triển khai thực hiện nghiêm túc./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

[...]