Chỉ thị 39/2007/CT- BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2007-2008 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Số hiệu 39/2007/CT-BGDĐT
Ngày ban hành 31/07/2007
Ngày có hiệu lực 26/08/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2007/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 07 năm 2007 

 

CHỈ THỊ 

VỀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA GIÁO DỤC MẦM NON, GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP VÀ CÁC TRƯỜNG, KHOA SƯ PHẠM TRONG NĂM HỌC 2007-2008

Quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn Quốc lần thứ X của Đảng, căn cứ Luật Giáo dục 2005 và các nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn 2 của Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 40, 41 của Quốc hội khóa X, Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; phát huy những kết quả đã đạt được trong năm học 2006-2007; căn cứ tình hình thực tế của ngành giáo dục và đào tạo,

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị trong năm học 2007-2008, toàn ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Gắn kết việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, toàn ngành tiếp tục triển khai quyết liệt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục” ("Hai không")

Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trọng tâm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là rèn luyện tư cách, phẩm chất nhà giáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chấp hành pháp luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo, thường xuyên tự học, nâng cao trình độ.

Các học sinh, sinh viên sẽ triển khai các hoạt động theo chủ đề “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với trọng tâm là tăng cường ý thức và ý chí học tập vì đất nước, vì bản thân, tu dưỡng đạo đức, hành vi văn minh, tuân thủ nội quy nhà trường và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động tình nguyện.

Cuộc vận động "Hai không" trong năm học 2007-2008 gồm 4 nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp (cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp). Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động sát với thực tiễn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị.

Trên cơ sở kết quả học tập năm học 2006-2007 và kết quả kiểm tra chất lượng đầu năm học, các trường cần nghiêm túc tổ chức sinh hoạt đầu năm học trong tất cả các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và phụ huynh học sinh về 4 nội dung của cuộc vận động "Hai không" trong năm học này. Cần tổ chức đăng ký, cam kết thi đua của các tổ bộ môn và tập thể sư phạm nhà trường thực hiện 4 nội dung của cuộc vận động "Hai không", trong đó nhấn mạnh yêu cầu: Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức và tự học.

Cần làm cho học sinh và phụ huynh học sinh nhận thức rõ: ngồi nhầm lớp là sự lãng phí thời gian, tiền của và công sức của học sinh, của thày cô và gia đình hôm nay và là con đường tất yếu dẫn đến không có việc làm và tình trạng nghèo khó trong tương lai. Nếu vì nhiều lý do khác nhau trước đây mà năng lực trình độ của các em chưa đạt chuẩn để lên lớp trên thì việc học thêm, học lại để đạt chuẩn là biện pháp đúng đắn. Năm học 2007-2008 là năm học đầu tiên của giai đoạn 3 năm đột phá vào việc nói không với tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, động viên khuyến khích dạy tốt, học tốt, quản lý tốt gắn với đặc điểm của vùng miền. Thực hiện công tác thi đua khen thưởng theo Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành từ năm học 2007-2008.

2. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt phân ban lớp 10, lớp 11 và khắc phục việc ngồi nhầm lớp. Phát triển và ứng dụng rộng rãi hệ thống các công cụ phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật

a) Giáo dục mầm non

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006-2010 được phê duyệt theo Quyết định số 149/2006/QĐ-TTg ngày 23/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo chương trình thí điểm giáo dục mầm non; chuẩn bị thực hiện đánh giá chuẩn phát triển trẻ em 5-6 tuổi. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mẫu giáo 5 tuổi, ở những vùng khó khăn, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi được đi học mẫu giáo để làm quen với tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Các Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường việc giám sát thực hiện bảo đảm an toàn cho trẻ; tổ chức bồi dưỡng và quán triệt rộng rãi tới giáo viên, người chăm sóc trẻ những yêu cầu của Quy chế nuôi dạy trẻ.

b) Giáo dục phổ thông

Thực hiện tốt phân ban ở lớp 10 và lớp 11; tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện chương trình sách giáo khoa cấp tiểu học và trung học cơ sở; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; tiếp tục thí điểm mô hình trường trung học phổ thông  kỹ thuật ở một số địa phương.

Các trường trung học phổ thông và các cơ sở bổ túc trung học phổ thông cần phân tích kỹ kết quả thi tốt nghiệp vừa qua, xác định nguyên nhân tỷ lệ đạt thấp hoặc chưa cao, đề xuất các biện pháp đồng bộ đối với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Việc đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá giáo viên, việc dạy thêm, học thêm theo quy định của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải hướng vào mục tiêu khắc phục việc học sinh ngồi nhầm lớp và khuyến khích học sinh vươn lên khá giỏi.

Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập, rèn luyện của học sinh các lớp ở các cấp học, bảo đảm xét cho lên lớp đúng tiêu chuẩn. Tùy tình hình thực tế và điều kiện ở các địa phương, các trường, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo và các hiệu trưởng có kế hoạch triển khai các giải pháp đặc biệt, để trong vòng từ 2 đến 3 năm khắc phục cơ bản việc ngồi nhầm lớp. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ các địa phương tiến hành các giải pháp đặc biệt này.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch chỉ đạo, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Công nghệ thông tin, các vụ chức năng và các Ban quản lý dự án của Bộ để xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống các công cụ phục vụ đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá học sinh: ứng dụng tin học để thực hiện giáo án điện tử, xây dựng ngân hàng đề kiểm tra tất cả các môn, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, phát triển và ứng dụng các phần mềm mô phỏng phục vụ dạy học, xây dựng học bạ điện tử, xây dựng diễn đàn đổi mới phương pháp và công cụ dạy học trên trang thông tin điện tử (website) của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu tích cực với lãnh đạo địa phương để tổ chức cung ứng sách giáo khoa, thiết bị dạy học một cách kịp thời, đảm bảo đủ số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng; rà soát, đánh giá về số lượng, chất lượng, hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học ở các trường phổ thông.

c) Giáo dục thường xuyên

Các Sở Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo kiên quyết việc triển khai cuộc vận động "Hai không" tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Trên cơ sở phân tích kết quả thi tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông vừa qua của địa phương và ở mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên, cũng như việc kiểm tra chất lượng đầu năm học, tạo sự thống nhất trong nhận thức của học viên và giáo viên các lớp học về yêu cầu phải đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng để có thể học được một nghề và tìm được việc làm trong môi trường cạnh tranh. Từ đó Sở Giáo dục và Đào tạo và các trung tâm giáo dục thường xuyên xác định các biện pháp có tính khả thi để tạo động lực học tập và nâng cao chất lượng học tập của giáo dục thường xuyên.

Bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng trong quá trình dạy học, trong việc biên soạn tài liệu xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ, biên soạn sách hướng dẫn dạy học lớp 11 bổ túc trung học phổ thông. Đầu tư thiết bị dạy học tối thiểu cho các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Nhanh chóng củng cố, tăng cường đội ngũ giáo viên cơ hữu và hợp đồng, liên kết dài hạn của các trung tâm giáo dục thường xuyên về số lượng và chất lượng. Trên cơ sở đó thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng học viên. Đặc biệt coi trọng việc đánh giá đúng chất lượng giáo dục, kiên quyết không để học viên không đủ tiêu chuẩn lên lớp. Tháng 11 năm 2007, tổ chức hội nghị chuyên đề toàn quốc về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục thường xuyên.

d) Giáo dục chuyên nghiệp, các trường, khoa sư phạm

Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp. Thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, gắn đào tạo với nhu cầu nghề nghiệp xã hội. Tiến hành tổ chức rà soát, chỉnh sửa và ban hành chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp trong những ngành nghề có nhu cầu cao trong thị trường lao động. Thành lập Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực cấp quốc gia và các trung tâm hỗ trợ đào tạo, cung ứng nhân lực cấp vùng để thu nhận thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo về nhu cầu đào tạo, hỗ trợ triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tháng 10 năm 2007, tổ chức hội thảo cấp quốc gia về “Giáo dục nghề nghiệp trong những năm đầu thế kỷ 21”

Các trường, khoa sư phạm phải bám sát chương trình giáo dục phổ thông trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đi tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy học và xây dựng hệ thống công cụ giảng dạy mới, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Mỗi trường, khoa sư phạm phải là một trung tâm đổi mới phương pháp giảng dạy và phát triển hệ thống công cụ giảng dạy mới, phải quán triệt yêu cầu về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy trong đào tạo giáo viên để có đủ năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Các trường sư phạm, đặc biệt là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cần phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiên cứu, đánh giá chất lượng của việc học các môn xã hội ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, từ đó đề xuất các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả việc học các môn xã hội, góp phần tích cực hình thành nhân cách công dân của thanh niên Việt Nam.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ