Chỉ thị 3824/1999/CT-BTC về thực hiện phòng, chống hoá đơn giả trong mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thu tiền và thanh quyết toán tài chính do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành

Số hiệu 3824/1999/CT-BTC
Ngày ban hành 05/08/1999
Ngày có hiệu lực 20/08/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3824/1999/CT-BTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÒNG, CHỐNG HOÁ ĐƠN GIẢ TRONG MUA, BÁN HÀNG HOÁ, CUNG ỨNG DỊCH VỤ THU TIỀN VÀ THANH QUYẾT TOÁN TÀI CHÍNH

Qua công tác kiểm tra thực hiện chế độ lập hoá đơn, chứng từ của các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho thấy tình trạng sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn không hợp pháp để thanh quyết toán tài chính, tham ô công quỹ đã xảy ra ở nhiều nơi. Một số dạng vi phạm phổ biến là: Mua, sử dụng hoá đơn giả; mua hoá đơn thật của đơn vị khác để sử dụng; cố tình viết sai các yếu tố của hoá đơn, đặc biệt là ghi sai giá để trốn lậu thuế, sử dụng hoá đơn tự in không được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, sử dụng hoá đơn đã thông báo mất, đã thông báo hết giá trị sử dụng... Cơ quan Công an ở một số địa phương đã phát hiện, bắt giữ một số đối tượng in ấn, mua, bán, sử dụng hoá đơn giả trên thị trường. Những hành vi vi phạm trên đây đã gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, gây thiệt hại cho NSNN... Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống Tài chính thực hiện ngay nội dung sau đây:

1. Tuyên truyền, hướng dẫn các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ quán triệt đầy đủ, nâng cao ý thức chấp hành Chế độ Quản lý sử dụng hoá đơn bán hàng ban hành kèm theo Quyết định số 885/1998/QĐ/BTC ngày 16/7/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Nhất thiết việc mua, bán, xuất hàng hoá phải có hoá đơn, chứng từ. Cơ quan, đơn vị phải tự kiểm tra, rà soát hoá đơn, chứng từ trong việc mua, bán hàng hoá, dịch vụ.... Xử lý nghiêm khắc đối với mọi hành vi vi phạm các quy định về sử dụng hoá đơn, chứng từ trong mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thu tiền.

2. Khi thực hiện kiểm tra, kiểm soát, thanh quyết toán tài chính đều phải đối chiếu hoá đơn, chứng từ để phát hiện những hoá đơn giả, hoá đơn không hợp pháp trong chi tiêu, trong thanh quyết toán tài chính ở các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Loại khỏi chi phí, không thanh quyết toán đối với các khoản chi hàng hoá, dịch vụ sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn, chứng từ không hợp pháp khi thực hiện thanh quyết toán tài chính, thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm soát chi NSNN. Các vi phạm về sử dụng hoá đơn, chứng từ đã phát hiện đều phải xử lý theo quy định của Pháp luật; đồng thời thông báo cho cơ quan Thuế để phối hợp công tác.

3. Cơ quan Thuế các cấp:

- Phải tiến hành công tác kiểm tra, thanh tra về thuế, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cơ quan thuế các cấp, trong đó việc kiểm tra đối chiếu hoá đơn đầu vào, hoá đơn đầu ra của từng tổ chức, cá nhân kê khai nộp thuế giá trị gia tăng là trọng tâm; tổ chức thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn luật kèm theo; hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị. Phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm Chế độ Quản lý hoá đơn bán hàng theo quy định của Pháp luật.

- Phối hợp với các ngành Công an, Kiểm sát, Quản lý thị trường ở từng địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập các Ban phòng chống mua, bán sử dụng hoá đơn giả để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp (như tuyên truyền, vận động, đấu tranh, truy quét đối tượng) để ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng in ấn, mua, bán và sử dụng hoá đơn giả trong lưu thông hàng hoá, thanh quyết toán tài chính ở địa phương, đồng thời xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm theo quy định của Pháp luật.

- Thực hiện thông báo rộng rãi công khai mã số thuế, cách ghi mã số thuế của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên từng địa bàn, giúp cho các tổ chức, cá nhân có thể tự kiểm tra, kiểm soát đối tác kinh doanh, góp phần chống tình trạng sử dụng hoá đơn giả, hoá đơn không hợp pháp trong mua, bán hàng hoá, dịch vụ.

4. Giao cho Tổng cục Thuế nghiên cứu, bổ sung, trình Chính phủ sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng hoá đơn bán hàng nhằm nâng cao hiệu lực chống sử dụng hoá đơn, chứng từ giả; hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thanh quyết toán tài chính trong tháng 8 năm 1999.

5. Giao cho Tổng cục Thuế phối hợp với Tổng cục Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn hành vi in ấn, mua, bán sử dụng hoá đơn giả trên thị trường.

6. Công ty in Tài chính và các doanh nghiệp được chỉ định in biên lai, hoá đơn phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đối với ngành in (in ấn, vận chuyển, giao nhận, xử lý bản in thử, in hỏng...), cải tiến kỹ thuật in và phối hợp với Tổng cục Thuế đề ra các biện pháp có hiệu quả trong việc chống làm giả hoá đơn, chứng từ.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc ngành Tài chính phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc đồng bộ nội dung Chỉ thị này. Định kỳ hàng quý (ngày 05 của tháng đầu mỗi quý) báo cáo Bộ Tài chính bằng văn bản kết quả kiểm tra, phát hiện và xử lý tình trạng sử dụng hoá đơn, chứng từ giả, không hợp pháp trong thanh toán tài chính thuộc phạm vi quản lý để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

 

 

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)