UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 37/UB/CT
|
Bến Tre, ngày 04
tháng 8 năm 1978
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN
THI HÀNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ, PHƯỜNG TRONG TỈNH
Căn cứ Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6
năm 1975 của Hội đồng Chánh phủ và Thông tư số 33/LB-TT ngày 10 tháng 9 năm
1976 của Liên bộ Y tế - Tài chánh hướng dẫn và quy định tạm thời về chế độ đãi
ngộ đối với cán bộ y tế xã, phường ở các tỉnh phía Nam.
Căn cứ vào tình hình và đặc điểm của địa
phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định về nhiệm vụ tổ chức y tế ở các xã,
phường, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ và chỉ tiêu các trạm y tế xã, phường
trong tỉnh Bến Tre như sau:
I. NHIỆM VỤ CỦA TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG.
Ở mỗi xã, phường có một trạm y tế có nhiệm vụ:
1. Phát hiện và báo cáo kịp thời tình hình dịch
bệnh trong địa phương mình phụ trách, thực hiện tốt công tác phòng bệnh, vệ
sinh phòng chống bệnh dịch, tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ sức khoẻ, giúp
Uỷ ban nhân dân địa phương xây dựng và quản lý tốt các công trình vệ sinh chủ
yếu là 03 công trình (hố xí, nhà tắm, giếng nước), coi đó là nhiệm vụ hàng đầu.
2. Thực hiện tốt việc quản lý sức khoẻ, bệnh tật
của nhân dân và cán bộ địa phương, khám chữa bệnh thông thường (chủ yếu tại
nhà, cấp cứu bước đầu, tham gia khám tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khoẻ cho
các học sinh, trẻ em trong các nhà trẻ mẫu giáo, đỡ đẻ thường và vận động sinh
đẻ có kế hoạch).
3. Quản lý tủ thuốc của Trạm y tế, trồng cây
thuốc, vận động nhân dân trồng cây thuốc và chữa bệnh bằng thuốc nam, châm cứu,
vệ sinh phòng bệnh.
4. Bồi dưỡng chuyên môn cho các cán bộ y tế ở
các xóm, ấp và vệ sinh viên ở các tổ, đội sản xuất hoặc ở đường phố.
5. Thực hiện các chế độ, chính sách về y tế
trong địa phương, cơ sở mình.
II. XÂY DỰNG MÀNG LƯỚI Y TẾ XÃ, PHƯỜNG.
Phương hướng chung để xây dựng màng lưới y tế
xã, phường là “Nhà nước và nhân dân củng cố trách nhiệm lo”, mỗi xã, phường có
1 trạm y tế, thống nhất gọi là Trạm y tế xã, phường.
III. CƠ CẤU TỔ CHỨC, SỐ LƯỢNG CÁN BỘ Y TẾ
CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THÔN, ẤP.
Trạm y tế ở những xã có dưới 3.000 dân có 3-4
người gồm: 01 y sỹ, 01 y tá, 01 nữ hộ sinh, 01 đông y. Việc bán thuốc ở đây do
y tá hoặc nữ hộ sinh kiêm nhiệm. Trạm y tế ở những xã có từ 3.000-10.000 dân có
4-5 người gồm: 01 y sỹ, 01 y tá, 01 nữ hộ sinh, 01 đông y, 01 dược tá (hiện nay
ở xã không có y sỹ tăng cường y tá theo tiêu chuẩn để đủ số lượng y tế để phục
vụ nhân dân).
Trạm y tế ở những xã có trên 10.000 dân, tổng số
cán bộ y tế nhiều nhất không quá 7 người.
Số cán bộ y tế ở các phường, thị xã, thị trấn
chỉ nên từ 3-5 người vì nhân dân ở tập trung gồm cơ quan y tế tuyến trên.
Ngoài số cán bộ chuyên trách của xã còn có cán
bộ nửa chuyên trách không thoát ly sản xuất, cứ mỗi thôn, ấp hoặc hợp tác xã có
01 y tá hoặc 01 nữ hộ sinh.
Những nơi có nhiều lương y có kinh nghiệm nên tổ
chức “Tổ chức trị đông y” riêng, nhưng cũng phải chịu sự chỉ đạo và quản lý của
trạm y tế xã.
Mỗi Trạm y tế có 01 trạm trưởng phụ trách, những
xã có 07 ngưới có thể có 01 trạm phó giúp việc. Trạm trưởng, Trạm phó tương
đương với Trưởng, phó ban hoặc ngành ở xã.
IV. CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ XÃ,
PHƯỜNG KHI CÔNG TÁC.
Cán bộ y tế có đủ tiêu chuẩn bố trí công tác tại
các Trạm y tế xã, phường thường xuyên làm việc và hoàn thành nhiệm vụ được phụ
cấp sinh hoạt thường xuyên hàng tháng theo 02 loại như sau:
* Loại phường ở các thị xã, thị trấn
* Loại xã đồng bằng ngoài cù lao,…
1. Đối với cán bộ công tác ở các Trạm y tế
phường ở các thành phố, thị xã, thị trấn:
a) Những cán bộ công tác ở Trạm y tế phường
thuộc biên chế trong các phòng khám đa khoa khu vực ở nội thành được hưởng chế
độ đãi ngộ như cán bộ y tế trong biên chế Nhà nước, trước mắt tuỳ theo trình độ
chuyên môn của từng người mà trả lương theo chế độ hợp đồng tạm tuyển (không kể
số cán bộ kháng chiến) như sau:
- Y sỹ, dược sỹ trung học 45-50-58đ00
- Y tá, dược tá 36-41-47đ00
- Nữ hộ sinh 38-43-49đ00
Sau một thời gian thử thách nếu có đủ tiêu chuẩn
và điều kiện sẽ được xét để tuyển dụng chính thức.
b) Những cán bộ y tế công tác ở trạm y tế phường
thuộc thị xã, thị trấn khác được hưởng phụ cấp như lương cán bộ y tế trong biên
chế Nhà nước, nếu các cơ sở này làm được nhiệm vụ đa khoa.
c) Những người phải qua thời gian tập sự hoặc
mới qua đào tạo chuyên môn 6 tháng (đối với sơ cấp) hưởng 85% mức lương khởi
điểm của chức vụ đào tạo.
2. Đối với cán bộ y tế công tác ở các Trạm y tế
xã, vùng đồng bằng, ở những xã có cù lao được hưởng phụ cấp theo Quyết định số
130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chánh phủ.
- Y sỹ: mới công tác 30đ00/tháng, đã công tác 03
năm trở lên 35đ00/tháng.
- Y tá, dược tá, nữ hộ sinh: mới công tác
25đ00/tháng, đã công tác từ 03 năm trở lên 30đ00/tháng.
Cán bộ y tế nửa chuyên trách công tác ở các xóm,
ấp đã thành lập hợp tác xã được trả công, điểm như các xã viên lao động khác
trong những ngày làm công tác chuyên môn như khám chữa bệnh, tiêm chủng, phòng
chống dịch, phòng chống sốt rét,…
Những xóm, ấp chưa có hợp tác xã thì nhân dân
đóng góp thù lao hoặc đổi công trong những ngày làm việc như trên, những cán bộ
y tế nơi này do Trạm trưởng, y tế xã quản lý và chịu trách nhiệm về mặt chuyên
môn.
Cán bộ đông y được bố trí làm cán bộ y tế xã
cũng được phụ cấp hàng tháng như y sỹ hoặc y tá tuỳ theo trình độ chuyên môn và
kết quả công tác. Riêng cán bộ đông y có trình độ chuyên môn cao, chữa bệnh nổi
tiếng được nhân dân tín nhiệm có thể được hưởng phụ cấp cao hơn nhưng không quá
60đ00/tháng (không kể người công tác ở tổ phân trị đông y). Nếu những cán bộ đông
y nói trên vừa công tác ở xã, vừa kiêm nhiệm công việc ở cơ sở y tế của tuyến
huyện, thị phụ cấp của những người đó ở cơ sở trên vẫn tính riêng.
Những cán bộ y tế xã (kể cả cán bộ đông y) hiện
đang hưởng mức lương phụ cấp cao hơn mức quy định nói trên đây (do Uỷ ban nhân
dân ở các địa phương trước đây quy định thì phải áp dụng chế độ quy định trong
Thông tư này và chỉ bảo lưu một thời gian 3 tháng trừ trường hợp đặc biệt phải
do Uỷ ban nhân dân tỉnh xét quyết định.
Chế độ phụ cấp khác:
Ngoài chế độ trên đây, cán bộ công tác tại các
trạm y tế xã, phường còn được hưởng phụ cấp truyền nhiễm thường trực như sau:
a) Phụ cấp truyền nhiễm: theo chế độ quy định
tại Nghị quyết số 59/CP ngày 26 tháng 10 năm 1960 của Hội đồng Chánh phủ và
Thông tư số 23/BYT-TT ngày 30 tháng 11 năm 1960 của Bộ Y tế, cụ thể là:
- Những cán bộ y tế thường xuyên, trực tiếp
khám, chữa bệnh, phát thuốc và quản lý các bệnh nhân lao, lây, hủi, tâm thần
được phụ cấp 5đ00/tháng.
- Những cán bộ y tế thường xuyên trực tiếp phục
vụ bệnh nhân lao tại các trại lao tập trung của huyện, thị xã hoặc liên xã được
phụ cấp 12đ00/tháng.
- Những ngày trực tiếp làm công tác chống bệnh
dịch tả, dịch hạch, phát thuốc DDT chống sốt rét hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật
0đ30/ngày.
b) Phụ cấp thường trực theo Thông tư số
15/BYT-TT ngày 12 tháng 5 năm 1976 của Bộ Y tế, cụ thể là:
Mỗi trạm y tế xã được bố trí một xuất thường
trực ngày và đêm nếu trong phiên trực thực sự có làm việc như khám chữa bệnh,
săn sóc bệnh nhân, cấp cứu, đỡ đẻ được phụ cấp: y sỹ 0đ80, y tá, dược tá, nữ hộ
sinh 0đ60. Đồng chí nào nhận công tác và giải quyết cấp cứu hoặc theo yêu cầu
người trực tiếp nhận công tác thì được hưởng thù lao.
Chế độ đãi ngộ khi đi học:
Về sinh hoạt phí, học bỗng cán bộ y tế xã,
phường có thành tích đủ tiêu chuẩn tuyển sinh được cử đi học bổ túc chuyên môn
được hưởng theo Quyết định 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chánh
phủ và Thông tư số 16/TT-LB ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chánh phủ và
Thông tư số 16/TT-LB ngày 20 tháng 6 năm 1976 của liên Bộ Y tế, Tài chính về
hướng dẫn chính sách đối với cán bộ y tế xã.
V. VỀ KINH PHÍ.
Về sinh hoạt phí, học bỗng cán bộ y tế xã,
phường có thành tích đủ tiêu chuẩn tuyển sinh được cử đi học.
Hoa hồng bán thuốc tây dược và tiền bán thuốc
nam (ở các thị xã, thị trấn quốc doanh, dược phẩm bán thuốc và nộp lãi cho ngân
hàng tỉnh). Ở xã, thị trấn thì nộp lãi cho ngân sách xã.
Nếu thu không đủ chi thì ngân sách tỉnh, thành
phố trợ cấp cho ngân sách xã để bảo đảm phát triển sự nghiệp y tế theo quy định
của Thông tư này.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
Về chế độ tiền lương và các khoản phụ cấp khác
(nếu có) theo quy định trong Chỉ thị này, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Ty Tài
chánh, Ty Y tế và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm hướng dẫn
thi hành và xác định các loại xã để thực hiện các quy định tiêu chuẩn trên.
Các Phòng Y tế huyện, thị xã và Phòng Tài chánh
huyện, thị xã có nhiệm vụ phối hợp giúp Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã hướng dẫn
thi hành các chế độ quy định trên đây vào báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân
tỉnh và Ty Tài chánh, Ty Y tế, các nơi thi hành theo Chỉ thị này kể từ ngày ký
ban hành./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH BẾN TRE
Võ Văn Phẩm
|