Chỉ thị 37-TTg năm 1997 về đẩy nhanh thực hiện chiến lược dân Số- Kế hoạch hoá gia đình đến năm 2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 37-TTg |
Ngày ban hành | 17/01/1997 |
Ngày có hiệu lực | 01/02/1997 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37-TTg |
Hà Nội, ngày 17 tháng 1 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY NHANH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ - KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH ĐẾN NĂM 2000
Thực hiện Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương 4 (khoá VII) về chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình và Chiến lược dân số - kế hoạch hoá gia đình đến năm 2000 được phê duyệt tại Quyết định số 270/TTg ngày 03/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ, mấy năm qua công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đã có chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và tổ chức thực hiện, đạt được kết quả rất đáng khích lệ (giảm được tốc độ tăng dân số so với nhiều năm trước đây). Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc do tâm lý muốn có nhiều con và tập quán coi trọng con trai hơn con gái trong nhân dân vẫn còn nặng nề. Việc tiếp tục đạt được kết quả nhanh trong công tác này khó hơn so với trước do đối tượng và địa bàn khó khăn hơn, trong khi số dân nước ta đã đông, tỷ lệ sinh vẫn còn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Để công tác DS-KHHGĐ đạt được kết quả tốt hơn nữa, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Tập trung nỗ lực phấn đấu đạt cho bằng được phương án giảm nhanh tỷ lệ sinh, sao cho đến năm 2000 tỷ lệ phát triển dân số nước ta là 1,5-1,6% để đạt được mức sinh thay thế (bình quân toàn xã hội mỗi cặp vợ chồng có 2 con) chậm nhất vào năm 2005, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý.
Các ngành, các cấp phải coi việc thực hiện mục tiêu này là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cấp mình, tập trung chỉ đạo cơ quan DS-KHHGĐ, các cơ quan chức năng và đơn vị thuộc quyền vận động toàn dân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, coi việc thực hiện KHHGĐ là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.
2. Để đạt được mục tiêu trên, trong 4 năm 1997-2000 phải làm tốt những việc sau đây:
a) Củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Uỷ ban quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình, các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh mới tách ra củng cố và hoàn thiện hệ thống này, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức hoạt động trong hệ thống. Không bố trí cán bộ vẫn tiếp tục vi phạm chính sách DS-KHHGĐ từ khi có Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương 4 (khoá VII) phụ trách công tác này.
Cần đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã, phường và cộng tác viên DS-KHHGĐ ở thôn, xóm để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, phân phối các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (không đòi hỏi phải có sự can thiệp của y tế) và theo dõi tình hình DS-KHHGĐ.
b) Thực hiện cơ chế phân bổ công khai toàn bộ kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ, đưa tuyệt đại bộ phận về địa phương (96%, trong đó 68% về đến xã và người dân) và thực hiện thông qua hợp đồng trách nhiệm. Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình, Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân các cấp phải phối hợp chặt chẽ, đánh giá để hoàn thiện hơn nữa cách làm này nhằm quản lý tốt, sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ. Cố gắng tăng thêm kinh phí cho cấp cơ sở và đưa đến tận người dân, hoạt động DS-KHHGĐ của các ngành, các cấp phải phục vụ cho cơ sở, nhằm thúc đẩy các hoạt động này ở cơ sở; đồng thời tích cực huy động sự đóng góp của nhân dân bổ sung thêm kinh phí cho công tác này.
Đối với việc quản lý viện trợ nước ngoài dành cho công tác DS-KHHGĐ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình nghiên cứu trình Chính phủ về cơ chế quản lý nhằm sử dụng có hiệu quả nhất và cùng hướng vào các mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ Quốc gia.
Đối với vốn vay, Bộ Tài chính cùng với Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình nghiên cứu xử lý tốt việc giải ngân để sử dụng sớm và có hiệu quả nhất.
c) Đẩy mạnh công tác truyền thông DS-KHHGĐ. Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cần duy trì và nâng cao chất lượng các chương trình truyền thông về DS-KHHGĐ. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền về DS-KHHGĐ của địa phương, đồng thời thực hiện tiếp sóng Chương trình Dân số và Phát triển của các Đài trung ương.
Các cấp, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp đến đối tượng, kết hợp giữa truyền thông thường xuyên với việc tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ KHHGĐ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chương trình DS-KHHGĐ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải triển khai tốt hơn việc giáo dục DS-KHHGĐ trong nhà trường nhằm hình thành vững chắc ở lớp trẻ ý thức về DS-KHHGĐ.
d) Bộ Y tế và Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình tạo mọi điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đối với các biện pháp tránh thai lâm sàng thực hiện tại các cơ sở y tế.
Mở rộng phương thức cấp phát các phương tiện tránh thai phi lâm sàng (bao cao su, viên uống tránh thai...) thông qua hệ thống cộng tác viên DS-KHHGĐ đến từng hộ gia đình. Từng bước thực hiện chương trình tiếp thị xã hội (bán với giá thấp) một số loại phương tiện tránh thai để vừa nâng cao ý thức sử dụng phương tiện tránh thai của người dân, vừa góp phần thúc đẩy xu thế xã hội hoá công tác DS-KHHGĐ.
e) Các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội cần phối hợp với Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình rà soát lại các văn bản về chính sách để sửa đổi những nội dung không phù hợp với mục tiêu và chính sách DS-KHHGĐ. Từ nay, các Bộ, ngành khi soạn thảo các văn bản pháp quy có liên quan đến chính sách DS-KHHGĐ cần tham khảo ý kiến của Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình trước khi trình duyệt hoặc ban hành.
3. Uỷ ban Quốc gia dân số - kế hoạch hoá gia đình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký) |