Chỉ thị 37/CT-UBND về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc và bệnh tai xanh ở lợn năm 2007 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 37/CT-UBND
Ngày ban hành 03/10/2007
Ngày có hiệu lực 03/10/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

 Số: 37/CT-UBND

Huế, ngày 03 tháng 10 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM, DỊCH BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG Ở GIA SÚC VÀ BỆNH TAI XANH Ở LỢN NĂM 2007

Hiện nay, trên cả nước dịch cúm gia cầm (DCGC), dịch bệnh lở mồm, long móng (LMLM) ở gia súc và dịch bệnh tai xanh ở lợn đã tạm lắng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm do mưa rét, bão lụt và việc chăn nuôi, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm có chiều hướng gia tăng, nếu chủ quan trong công tác phòng chống dịch thì dịch bệnh sẽ có nguy cơ tái phát, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 2560/CT-BNN-TY, ngày 17 tháng 09 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phòng chống dịch cúm gia cầm, LMLM gia súc và tai xanh ở lợn từ nay đến hết năm 2007, nhằm chủ động ngăn ngừa dịch bệnh tái phát và lây lan, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, bảo đảm  an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Duy trì họat động thường xuyên của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các cấp để theo dõi và chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.

2. Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện:

- Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai, thực hiện công tác phòng chống dịch, bệnh gia súc, gia cầm. Nơi nào do chủ quan để xảy ra dịch bệnh, lãnh đạo chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm.

- Thực hiện phương châm “phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính” và phải “phát hiện sớm, xử lý gọn, bao vây ổ dịch”. Khi dịch bệnh xảy ra, phải tiêu huỷ ngay những con bị bệnh đầu tiên.

- Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để ngăn ngừa sự chủ quan, lơ là của người dân, các ngành và các cấp.

- Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để chi trả cho thú y xã và mạng lưới thú y cơ sở.

- Để ngăn chặn DCGC tái phát, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp, đặc biệt chú ý chấn chỉnh công tác tiêm phòng, phải có kế hoạch cụ thể và tiêm xong trong tháng 10/2007; thường xuyên tiêu độc khử trùng, kiểm tra việc thực hiện các qui định về điều kiện ấp trứng, chăn nuôi thuỷ cầm, công tác kiểm tra, giám sát thú y đối với các cơ sở sản xuất giống gia cầm, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y,...

- Đối với phòng chống dịch bệnh LMLM ở gia súc, dịch bệnh tai xanh ở lợn: thực hiện nghiêm túc các văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh đã ban hành; đặc biệt không giấu dịch, không bán chạy gia súc bệnh và thực hiện phương châm “phát hiện sớm, xử lý gọn, bao vây ổ dịch”, chú ý kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố Huế và các ban ngành hữu quan:

- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các địa phương.

- Tổng hợp trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh kế hoạch phòng chống dịch các tháng còn lại của năm 2007; theo dõi và thường xuyên báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh tiến độ thực hiện tại địa phương.

- Xây dựng Đề án nâng cao năng lực hệ thống thú y theo Hướng dẫn 789/TY-KH ngày 04/06/2007 của Cục Thú y.

- Lập kế hoạch việc cung ứng vắc xin cúm gia cầm và LMLM cho các địa phương trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, thực hiện giám sát sau tiêm phòng theo Công văn 850/TY-DT ngày 13/06/2007 của Cục Thú y đã quy định.

- Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều kiện ấp trứng, chăn nuôi thuỷ cầm; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện.

- Phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng và phổ biến mô hình chăn nuôi, giết mổ tập trung an toàn dịch bệnh.

4. Các Sở, ban, ngành có thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh:

- Sở Văn hóa Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế đưa tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp và chính xác về diễn biến, nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ và mô trường sinh thái.

- Sở Tài chính tham mưu, bố trí đầy đủ và kịp thời kinh phí cần thiết cho công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định hiện hành.

- Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Sở Thương mại, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thú y) tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm tại các chốt kiểm dịch (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các đầu mối giao thông); ngăn chặn việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới đường bộ, cửa khẩu;  kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các qui định về phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật.

- Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với ngành Thú y để tăng cường giám sát, ngăn chặn và có phương án đối phó kịp thời khi có người bị nhiễm vi rút cúm A (H5N1) và liên cầu khuẩn lợn; phối hợp với các ngành chức năng liên quan tăng cường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế có kế hoạch triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận: 
- Bộ NN và PTNT;  
- Cục TY, CQTY vùng III; (để báo cáo) 
- TV Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, Y tế, TC, KH-ĐT, TM,
 GTVT,VHTT;
- Công an tỉnh;
-Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Cục Hải quan;
-
Chi cục TY, CC QLTT, Phòng CSGT;
- UBND các huyện, TP Huế;
- Trung tâm Công báo;
- VP: CVP, đ/c Mai Hùng Tuân PCVP;
- Lưu VT, NN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện