Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2010 tăng cường công tác phòng, chống bệnh tai xanh do tỉnh Đồng Tháp ban hành
Số hiệu | 12/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/08/2010 |
Ngày có hiệu lực | 13/08/2010 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Tháp |
Người ký | Lê Vĩnh Tân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/CT-UBND |
Thành phố Cao Lãnh, ngày 13 tháng 08 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH TAI XANH
Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện bệnh heo tai xanh ở 4 xã thuộc 3 huyện (xã Tân Khánh Trung, Bình Thạnh Trung, huyện Lấp Vò; xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng; xã Mỹ Tân, Thành Phố Cao Lãnh) có 78/81 con heo mắc bệnh.
Bệnh tai xanh là dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh, khó khống chế, gây thiệt hại về chăn nuôi. Bước đầu, nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tuy vậy, nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn chủ quan, chưa tổ chức phòng chống quyết liệt, chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp chỉ đạo, vẫn còn tình trạng buôn bán, vận chuyển heo bệnh đi nơi khác làm dịch bệnh lây lan.
Thực hiện Công điện số 615/TTg-KTN ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 15/CĐ-BNN-TY ngày 26 tháng 4 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công văn số 1429/BNN-TY ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chỉ thị số 2507/CT-BNN-TY ngày 05 tháng 8 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhằm kịp thời xử lý và hạn chế thiệt hại thấp nhất khi có dịch bệnh xảy ra, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ thị:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh tại các huyện, thị xã, thành phố theo quy định của Pháp lệnh Thú y.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh tai xanh; tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào địa bàn Tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y:
+ Tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Trong thời gian xảy ra dịch, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm để dự báo sớm dịch bệnh. Chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
+ Thành lập các Chốt kiểm dịch tạm thời ở các trục giao thông, ở các xã có dịch để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng dịch.
+ Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát vận chuyển nhằm không để dịch bệnh lây lan, đồng thời tạo điều kiện vận chuyển heo khỏe mạnh, không mắc bệnh đến cơ sở giết mổ theo nội dung Công văn số 1429/BNN-TY ngày 17 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại nơi có dịch và vệ sinh tiêu độc định kỳ các hộ, cơ sở chăn nuôi.
2. Các sở, ban, ngành Tỉnh
- Theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các huyện, thị, thành phố. Kiên quyết xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc nhiễm bệnh và không rõ nguồn gốc (nguyên tắc là thu giữ tại địa bàn nào thì xử lý ngay tại địa bàn đó, không vận chuyển đi nơi khác làm lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường).
- Các ngành: Công an, Công Thương, Y tế và các ngành liên quan có trách nhiệm phân công cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Đoàn Kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến và tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên thị trường. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
- Các cơ quan truyền thông của Tỉnh: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân viên hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh tai xanh; các biện pháp phòng bệnh, tránh gây hoang mang và tư tưởng chủ quan trong công tác chống dịch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
- Kiện toàn và cũng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo kiểm tra ngay, cụ thể tới các hộ chăn nuôi trên địa bàn để sớm phát hiện bệnh tai xanh ở heo và có biện pháp xử lý ngay từ đầu không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện triệt để việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt đối với tiêm phòng vắc xin tai xanh cho đàn heo, tổ chức vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi thường xuyên.
- Tăng cường quản lý công tác kinh doanh vận chuyển, giết mổ chế biến động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của Pháp luật.
- Khi phát hiện dịch tai xanh ở lợn, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp khống chế ổ dịch ngay từ đầu, đặc biệt tổ chức tốt việc tiêu hủy số gia súc mắc bệnh theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về tính chất, đặc điểm, tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh tai xanh để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ nhận thức và có kiến thức cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh.
- Người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn được hỗ trợ theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 06 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh được sử dụng từ kinh phí dự phòng của huyện, thị, thành phố (nếu thiếu đề nghị Ủy ban nhân dân Tỉnh hỗ trợ tiếp).
Tình hình dịch tai xanh ở heo đang diễn biến rất phức tạp, nếu không tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ thì dịch sẽ lây lan ra diện rộng, gây hậu quả khó lường. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố nếu chủ quan, thiếu trách nhiệm để dịch bệnh xảy ra, lây lan diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban ngành Tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân Tỉnh để giải quyết./.