Chỉ thị 366-TTg năm 1957 về công tác củng cố nông trường quốc doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 366-TTg
Ngày ban hành 16/08/1957
Ngày có hiệu lực 31/08/1957
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 366-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 08 năm 1957 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC CỦNG CỐ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH

Hiện nay, miền Bắc có 16 nông trường quốc doanh, chiếm một diện tích 54.240 écta, trong đó dất đã khai hoang và trồng trọt độ 6.044 écta, với 8.523 công nhân, cán bộ và 371 máy móc các loại. Đó là cơ sở kinh doanh nông nghiệp đầu tiên của Nhà nước.

Trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1956, các nông trường quốc doanh đã thu được một số kết quả về các mặt sản xuất, xây dựng cơ bản, đào tạo cán bộ, công nhân và rút được một số kinh nghiệm ; nhưng đã phạm nhiều khuyết điểm và gây nhiều thiệt hại: kế hoạch không thực hiện được, sản lượng thấp, phẩm chất xấu, giá thành cao, lãng phí nhiều, thua lỗ lớn. Do đó các nông trường quốc doanh chưa làm được nhiệm vụ gương mẫu đối với nông dân và đã gây ảnh hưởng chính trị không tốt.

Nguyên nhân của tình trạng đó có phần do điều kiện khách quan như đất đai, thời tiết không thuận lợi ... nhưng phần chính là do những khuyết điểm lớn về mặt chủ quan:

Cấp trên và cấp dưới, cán bộ và công nhân đều chưa nhận đúng tính chất, nhiệm vụ và vai trò trọng yếu của nông trường quốc doanh trong nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ chuyển dần lên chủ nghĩa xã hội. Do đó: về lãnh đạo thì chậm đề ra chủ trương, chính sách, chế độ, kế hoạch nhằm xây dựng và quản lý nông trường, quốc doanh về mọi mặt, thiếu kiểm tra đôn đốc, không kịp thời nắm tính hình để uốn nắn và sửa chữa những sai lệch trong việc xây dựng và quản lý nông trường quốc doanh. Về cán bộ và công nhân ở nông trường thì đại bộ phận chưa rõ trách nhiệm của mình, chưa an tâm sản xuất và công tác, ngại khó, ngại khổ, lo lắng tiền đồ cá nhân, suy bì đãi ngộ, ỷ lại vào sự cung cấp của Chính phủ v.v... thậm chí có một số không muốn làm việc, bất chấp tổ chức, coi thường kỷ luật lao động, coi thưòng pháp luật Nhà nước như đi muộn về sớm, ở không ăn lương, lấy của công để dùng riêng, nghỉ phép quá hạn, bất mãn nắm ý, gây bè phái, đánh lộn hoặc tự tiện vác ba-lô về Sở, về Bộ ... Từ trên xuống dưới đều ham làm to, làm nhanh, làm nhiều, làm quá sức, ỷ lại vào máy móc, không xuất phát từ khả năng thực tế của cán bộ và công nhân ; những khuyết điểm này biểu hiện rõ rệt trong kế hoạch năm 1956 về khai hoang, sản xuất, sử dụng nhân lực, tài lực ... của các nông trường quốc doanh. Tác phong quan liêu, mệnh lệnh gò ép rất phổ biến và trầm trọng.

Ngoài ra, từ trên xuống dưới trình độ quản lý và kỹ thuật non kém, thiếu kinh nghiệm, để xảy ra nhiều lãng phí và tham ô, nhất là lãng phí.

Để khắc phục những khuyết điểm kể trên nhằm củng cố các nông trường quốc doanh, cần làm những việc sau đây:

Xác định tính chất, nhiệm vụ của nông trường quốc doanh và nhiệm vụ phương châm củng cố nông trường quốc doanh.

Tăng cường giáo dục đi đôi với củng cố lực lượng công nhân.

Cải tiến quản lý kinh doanh, thực hiện dần chế độ hạch toán kinh tế.

Nghiên cứu và quy định các chế độ lao động, tiền lương, phúc lợi ... cho các nông trường quốc doanh.

Củng cố tổ chức và quy định chế độ trách nhiệm chỉ đạo của các cấp đối với nông trường quốc doanh.

I – XÁC ĐỊNH TÍNH CHẤT, NHIỆM VỤ CỦA NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH VÀ NHIỆM VỤ, PHƯƠNG CHÂM CỦNG CỐ NÔNG TRƯỜNG QUỐC DOANH MÀ ĐẢNG VÀ CHÍNH PHỦ ĐÃ ĐỀ RA TRONG NĂM 1957

Nông trường quốc doanh là hình thức tổ chức kinh tế tiến bộ nhất trong nền nông nghịêp xã hội chủ nghĩa. Đối với nước ta hiện nay, đang ở trong thời kỳ quá độ tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội, nông trường quốc doanh có tác dụng gương mẫu trong việc cải tạo nền kinh tế tiểu nông theo phương hướng xã hội chủ nghĩa. Vì tính chất quan trọng ấy, nông trường quốc doanh có những nhiệm vụ chủ yếu dưới đây:

1) Tập trung sản xuất một số sản phẩm chính cần thiết cho Nhà nước, chủ yếu là cây công nghiệp và chăn nuôi. Nhưng tùy theo điều kiện đất đai và khả năng quản lý của nông trường quốc doanh, có thể trồng thêm những cây lương thực thích hợp như lúa, ngô, khoai ...

2) Tích lũy kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến về nông nghiệp, phát huy tính chất ưu việt của nông trường quốc doanh về các mặt sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống để làm gương mẫu, động viên, tổ chức và hướng dẫn nông dân tham gia phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

3) Kinh doanh có lãi, tích lũy vốn cho Nhà nước.

Tuy nhiên, do điều kiện của nền kinh tế nước ta và khả năng quản lý, tổ chức, trình độ kỹ thuật của cơ quan phụ trách và cán bộ trong năm nay, chúng ta chưa thể phát triển nhanh chóng nông trường quốc doanh. Nhiệm vụ chính hiện nay là duy trì và củng cố các nông trường quốc doanh hiện có, rút kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, chuẩn bị điều kiện, dần dần phát triển trong những năm sắp tới.

Để thực hiện nhiệm vụ chính ấy, cần chú ý:

Làm từng bước, chắc chắn, làm tốt, từ nhỏ đến lớn: kết hợp dùng nông cụ cải tiến với dùng máy móc và tiến dần lên.

Chống xu hướng làm to, làm nhanh, cơ giới hóa ngay trong bước đầu, đồng thời chống xu hướng tiêu cực, bảo thủ, giật lùi muốn thu hẹp các nông trường quốc doanh.

Lãnh đạo phải toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, có kế hoạch, có chính sách cụ thể, kịp thời tổng kết và phổ biến kinh nghiệm.

Lãnh đạo sản xuất phải đi đôi với thực hiện tiết kiệm, dần dần thực hiện chế độ hạch toán kinh tế nhằm tăng năng suất, nâng cao phẩm chất, hạ giá thành, bảo đảm kinh doanh có lãi, chống lãng phí và tham ô, nhất là lãng phí.

II – TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐI ĐÔI VỚI CÔNG TÁC CỦNG CỐ LỰC LƯỢNG CÔNG NHÂN VÀ CÁN BỘ.

Để củng cố các nông trường quốc doanh, cần tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ và công nhân ; làm cho mọi người thấy rõ vai trò chủ nhân của mình, thấy rõ nhiệm vụ và tiền đồ của mình gắn liền với sự nghiệp củng cố và phát triển những cơ sở đầu tiên của nền nông nghiệp xã hội chủ nghĩa ; do đó mà nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật ; tinh thần đoàn kết vượt mọi khó khăn, ra sức lao động sản xuất, công tác, cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến, thực hiện tiết kiệm, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước năm 1957 cũng như các kế hoạch sau này.

Đi đôi với công tác giáo dục, cần phải ổn định tổ chức của công nhân và cán bộ để tăng cường lực lượng sản xuất của các nông trường quốc doanh. Cần giải quyết hợp lý công tác cho những người đau ốm kinh niên, kém sức khỏe, những người không có khả năng công tác ở công trường quốc doanh. Cần tập hợp và giáo dục những người không chịu làm việc để họ tự giác tự nguyện xin trở lại làm việc ; những người muốn đi làm ở nơi khác thì phải đưa ra ngoài biên chế của nông trường quốc doanh. Đối với một số ít người có thái độ ngang bướng, đã được nhiều lần giáo dục mà vẫn cố tình không chịu sửa chữa thì cần thi hành kỷ luật nhằm giáo dục họ và giáo dục người khác. Việc này phải làm một cách thận trọng và kiên quyết.

Ngoài ra, từ nay trở đi việc tuyển mộ công nhân vào các nông trường quốc doanh phải dựa vào sự cần thiết sản xuất của nông trường quốc doanh, đồng thời phải lựa chọn rất kỹ, chỉ nhận những người khỏe, tốt, tình nguyện làm việc theo quy chế của nông trường quốc doanh. Phải chấm dứt việc lấy dân công làm việc cho các nông trường quốc doanh. Trường hợp đặc biệt cần thuê mượn công nhân trong những ngày mùa, thì phải tính toán cẩn thận và sử dụng hợp lý, hết sức tránh lãng phí.

[...]