Chỉ thị 35/1999/CT-UB tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề và nâng cao chất lượng lao động do tỉnh Lâm Đồng ban hành
Số hiệu | 35/1999/CT-UB |
Ngày ban hành | 06/09/1999 |
Ngày có hiệu lực | 06/09/1999 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký | Phạm Văn Tám |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/1999/CT-UB |
Đàlạt, ngày 06 tháng 9 năm 1999 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG LAO ĐỘNG
Thời gian qua hoạt động dạy nghề trên địa bàn tỉnh ta đã có bước phát triển, đáp ứng phần nào nhu cầu học nghề của người lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đã được nâng từ 13,5% năm 1996 lên 16,5% năm 1999. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại trong công tác quản lý đào tạo nghề. Hoạt động dạy nghề ở các tổ chức, Doanh nghiệp, trường, Trung tâm, cơ sở của các tổ chức và cá nhân chưa được quản lý một cách chặt chẽ, đồng bộ. Công tác quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề và kế hoạch đào tạo nghề hàng năm chưa được triển khai đồng bộ; Việc tổ chức đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động ở các doanh nghiệp nhà nước chưa thường xuyên. Thực hiện quyết định số 50/1999/QĐ-TTg ngày 24/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 1999-2000, đồng thời để đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tăng cường quản lý Nhà nước trong việc tổ chức đào tạo nghề và nâng cao chất lượng của lao động xã hội theo các quy định của nhà nước. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng bào dân tộc, thanh niên xuất ngũ, lao động thuộc hộ đói nghèo, gia đình chính sách.
2. Xây dựng quy hoạch mạng lưới dạy nghề trên địa bàn tỉnh và kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh đến năm 2005 và 2010 nhằm đẩy nhanh việc phát triển nguồn nhân lực để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nghiên cứu phương án đầu tư một trường dạy nghề của Nhà nước do tỉnh quản lý với quy mô đảm bảo đào tạo chủ yếu lực lượng lao động kỹ thuật, thợ lành nghề có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngành nghề trong những năm tới.
3. Nâng cao chất lượng lao động ở các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp có vốn Nhà nước bằng hình thức đào tạo mới và đào tạo lại, đảm bảo 100% lao động ở khu vực này phải qua đào tạo. Quản lý chặt chẽ việc tổ chức thi nâng bậc thợ hàng năm cho công nhân trực tiếp sản xuất ở các doanh nghiệp theo quy định của Luật lao động. Phát động phong trào hội thi thợ giỏi, giáo viên dạy nghề giỏi và các phong trào thi đua khác để tạo bước chuyển biến mới trong công tác dạy nghề và học nghề.
4. Chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có dạy nghề hiện nay theo đúng các quy định của Nhà nước, trong việc đăng ký hoạt động, thủ tục mở lớp dạy nghề, cấp bằng, chứng chỉ, chứng nhận... cũng như việc xây dựng kế hoạch chiêu sinh, đăng ký nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, trường, trung tâm và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động dạy nghề theo đúng pháp luật, đồng thời kiên quyết đình chỉ các hoạt động dạy nghề không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước.
5. Để thực hiện tốt các công tác trên, UBND tỉnh giao:
- UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt rà soát và nắm chắc số lượng các cơ sở dạy nghề trên địa bàn mình quản lý nhằm đánh giá đúng thực trạng, số lượng, quy mô và ngành nghề đào tạo để lập quy hoạch các cơ sở dạy nghề trên địa bàn trình UBND tỉnh trong năm 1999 (thông qua sở Lao động Thương binh và Xã hội). Xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên từng địa bàn phường, xã, thị trấn theo hướng dẫn của ngành Lao động Thương binh và Xã hội nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương phát triển nông nghiệp - nông thôn hiện nay của Đảng và Nhà nước. Gắn chương trình đào tạo nghề với giải quyết việc làm, coi đây là một trong những mục tiêu kinh tế xã hội hàng năm để triển khai thực hiện.
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội căn cứ trên quy hoạch các cơ sở dạy nghề thuộc huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và sự tham gia của các ngành Kế hoạch - Đầu tư,Giáo dục -Đào tạo và các ngành, đoàn thể liên quan để xây dựng đề án về quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Trung ương để trình UBND tỉnh phê duyệt vào đầu năm 2000. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời phối hợp với UBND các cấp, sở Tài chính Vật giá, sở Giáo dục -Đào tạo, sở Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn, các đoàn thể liên quan lập phương án triển khai chương trình này. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan tiến hành điều tra, phân loại các cơ sở có dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh để quản lý và hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng các quy định của Pháp luật.
Quản lý việc cấp giấy chứng nhận nâng bậc thợ và học nghề cho học viên (không đủ điều kiện cấp bằng và chứng chỉ nghề) ở các tổ chức, doanh nghiệp, trường, trung tâm và cá nhân thông qua đăng ký và hướng dẫn của sở Lao động Thương binh và Xã hội. Phối hợp với sở Tài chính Vật giá, Cục quản lý vốn và TS NN tại các doanh nghiệp và các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo mới và đào tạo lại lao động ở các doanh nghiệp.
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể (hoặc có đơn vị trực thuộc) có tham gia dạy nghề phải tiến hành rà soát lại việc đăng ký tổ chức dạy nghề và hoạt động dạy nghề theo đúng quy định của Nhà nước. Hàng năm lập kế hoạch chung về tổ chức đào tạo nghề trình UBND tỉnh (thông qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội).
- Sở Giáo dục - Đào tạo kết hợp với ngành Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo giáo viên dạy nghề và bồi dưỡng sư phạm cho các giáo viên dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề.
- Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chủ động phối hợp với ngành Lao động TB & XH và các ngành liên quan để xây dựng các đề án và phương án triển khai về lĩnh vực dạy nghề cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, trong đó cần chú ý đến vai trò chủ lực của Trung tâm khuyến nông trong việc kết hợp giữa công tác chuyên môn với lĩnh vực dạy nghề (chủ yếu các lớp ngắn hạn theo từng địa bàn thôn, xã...).
- Sở Kế hoạch- Đầu tư, Tài chính Vật giá hàng năm cân đối kế hoạch kinh phí đầu tư cho công tác dạy nghề và giải quyết việc làm theo quy định của Trung ương và của UBND tỉnh; phối hợp với ngành LĐ-TB & XH và các ngành liên quan triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chung của tỉnh và xây dựng quy chế thành lập, quản lý quỹ việc làm và dạy nghề dành riêng cho người tàn tật theo quy định tại nghị định 81/CP ngày 23/11/1995 của Chính phủ.
- Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo mới và đào tạo lại nghề hàng năm cho người lao động với mức kinh phí ít nhất 2% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp theo hướng dẫn của ngành Lao động Thương binh và Xã hội và Cục quản lý vốn & TSNN tại các DN lập kế hoạch và tổ chức thi nâng bậc thợ cho công nhân trực tiếp sản xuất, đồng thời thực hiện đầy đủ các chính sách dạy nghề, lao động là người tàn tật, lao động nữ theo quy định của Nhà nước.
Trên đây là những nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực đào tạo nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng lao động của tỉnh ta đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa. Vì vậy UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội nghiêm túc thực hiện và hàng quý có báo cáo cụ thể về UBND tỉnh (thông qua sở Lao động TB & XH). Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét chỉ đạo./
|
TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |