Chỉ thị 34/CT-UBND năm 2021 thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, tăng cường công tác quản lý, điều hành bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 34/CT-UBND
Ngày ban hành 08/12/2021
Ngày có hiệu lực 08/12/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/CT-UBND

Sơn La, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CÂN ĐỐI CUNG CẦU, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH BÌNH ỔN GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG, ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM DẦN NĂM 2022

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trong nước và thế giới. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 6, dịch bệnh đã bùng phát mạnh, nhất là ở các tỉnh phía Nam, sản xuất kinh doanh tại các địa phương có dịch bị đình trệ lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của nhân dân. Tỉnh Sơn La là một địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá cả nhiều loại mặt hàng thiết yếu biến động thường xuyên, các loại vật liệu xây dựng, xăng, dầu, khí đốt hóa lỏng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, vật tư nông nghiệp... có xu hướng tăng cao, tác động đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân và thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trước tình hình đó Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt với những biện pháp phòng chống dịch; phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Để thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân đón xuân Nhâm Dần 2022, vui vẻ, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm như sau:

I. YÊU CẦU

1. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm cân đối nguồn cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường, theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đáng giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên Đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của cấp có thẩm quyền. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, kiểm soát giá. Các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giá, các biện pháp bình ổn giá và giá cả thị trường đến các tổ chức, nhân dân trên địa bàn để phối hợp, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về giá, gian lận thương mại, không để xảy ra tình trạng mất cung - cầu dẫn đến tăng giá đột biến.

3. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ các quy định của pháp luật về giá và nội dung Chỉ thị này, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương trong việc tổ chức chúc Tết, tặng quà.

4. Ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp pháp, giữ ổn định chỉ số giá hàng hóa, phù hợp với chỉ số giá chung của cả nước, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp về kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, không để biến động về giá, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân.

5. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương triển khai công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết các thủ tục hành chính với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

II. NHIỆM VỤ CÁC SỞ, NGÀNH, CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh: Tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công việc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm thực hiện nghiêm, có hiệu quả Kế hoạch số 31/KH-BCĐ ngày 09/11/2021 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Sơn La trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các Sở, ngành liên quan trong việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá, trợ cước, trợ giá, công khai thông tin về giá. Tham mưu, đề xuất các biện pháp kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng tiêu cực gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng. Chú trọng giá các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và hàng hóa phục vụ tết, giá cước vận chuyển hành khách, hàng hóa, giá dịch vụ du lịch, lưu trú, thuốc chữa bệnh cho người.

- Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường và diễn biến chỉ số giá tiêu dùng, kịp thời tham mưu trình cấp có thẩm quyền biện pháp bình ổn giá theo quy định. Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá. Chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá, kịp thời phát hiện sự chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để tham mưu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

3. Sở Công Thương

- Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, nhất là dịch tả lợn Châu Phi; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, chủ động đề xuất phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch và theo khuyến cáo của các Bộ, ngành hữu quan, tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng hóa trong nước nói chung và thị trường thực phẩm nói riêng.

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các Sở, ngành liên quan hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nhất là việc vận tải của các đơn vị khi đi qua các địa bàn liên tỉnh có dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo cho lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

- Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh; có cơ chế ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa, các phương thức bán hàng lưu động... để cung ứng hàng hóa bình ổn đến khu vực đông dân cư, các khu vực vùng sâu, vùng xa...nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát chất lượng, đo lường xăng dầu lưu thông trên thị trường.

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện của các Công ty Điện lực tại địa phương, trong đó đặc biệt lưu ý phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và cung cấp điện cho các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh. Chỉ đạo các Công ty Điện lực chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống, chập, cháy điện tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.

- Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố có phương án tổ chức các Hội chợ Xuân bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19.

- Kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chợ dân sinh, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trên địa bàn, triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 để duy trì hoạt động của các chợ nhằm bảo đảm cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm của Nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động ‘‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền về việc khuyến khích sử dụng xăng sinh học; kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[...]