Chỉ thị 34/2006/CT-UBND về việc tổ chức thực hiện công tác giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 34/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 27/10/2006 |
Ngày có hiệu lực | 06/11/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Hoàng Quân |
Lĩnh vực | Đầu tư,Xây dựng - Đô thị |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2006/CT-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 10 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁM SÁT ĐẦU TƯ CỦA CỘNG ĐỒNG THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 80/2005/QĐ-TTG NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, việc người dân tham gia giám sát các dự án đầu tư đã có kết quả tốt, phát hiện được một số vụ việc làm sai quy định, gây lãng phí thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, xâm hại lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, việc giám sát của cộng đồng còn tự phát, chủ đầu tư chưa nhận thức đầy đủ và chưa tạo điều kiện để nhân dân giám sát, các cơ quan Nhà nước chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc giám sát đầu tư của cộng đồng.
Để thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chương trình hành động của Thành ủy về chống tham nhũng, lãng phí. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thực hiện ngay một số việc sau:
1. Các sở - ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn; các cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư; các chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công, nhà thầu xây lắp, nhà thầu cung cấp thiết bị, vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu,… (sau đây gọi tắt là nhà thầu) tạo điều kiện cho cộng đồng thực hiện công tác giám sát đầu tư; đồng thời, có trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu, cung cấp thông tin, xem xét nội dung để trả lời, xử lý, có biện pháp khắc phục đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố.
b) Là cơ quan đầu mối tiếp nhận các báo cáo tổng hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường - xã, thị trấn, của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; đồng thời theo dõi, kiểm tra kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng.
c) Có trách nhiệm trả lời các nội dung mà Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng yêu cầu đối với các dự án do thành phố quyết định đầu tư liên quan đến việc đánh giá sự phù hợp của Quyết định đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của thành phố với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành khi nhận được văn bản yêu cầu.
3. Trách nhiệm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc:
a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các sở - ngành có liên quan thực hiện và kiểm tra việc tổ chức thực hiện việc công khai quy hoạch theo quy định.
b) Có trách nhiệm trả lời các nội dung có liên quan đến quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và các vấn đề có liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của Sở mà cộng đồng yêu cầu, kiến nghị.
4. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường:
Có trách nhiệm trả lời các nội dung có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải và những vấn đề có liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của Sở mà cộng đồng yêu cầu, kiến nghị.
5. Trách nhiệm của Sở Xây dựng:
Phối hợp với các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm tra và đánh giá chất lượng công trình và các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của Sở mà cộng đồng yêu cầu, kiến nghị.
6. Trách nhiệm của các sở - ngành quản lý dự án đầu tư:
a) Các sở - ngành được giao quản lý các dự án đầu tư chuyên ngành phải thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tạo điều kiện để cộng đồng giám sát dự án đầu tư theo quy định.
b) Trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận - huyện:
a) Thực hiện công khai hóa các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp,…
b) Thực hiện công khai các dự án đầu tư trên địa bàn theo các nội dung được quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Xem xét, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật khi nhận được yêu cầu, kiến nghị bằng văn bản của cộng đồng; báo cáo cơ quan cấp trên những vấn đề vượt thẩm quyền.
d) Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật và Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng.
8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn:
a) Thực hiện đúng theo quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 và 11 Chương II Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng.
b) Chủ động kiểm tra, phát hiện những vấn đề bất cập, những sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
c) Chủ động phản ánh, làm việc với chủ đầu tư, nhà thầu và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn.
d) Ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
9. Trách nhiệm của Chủ đầu tư:
a) Công khai hóa thông tin về dự án đầu tư theo quy định và theo khoản 1 Điều 16 của Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng.
b) Trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật về các chương trình, dự án đầu tư có sử dụng vốn Nhà nước, không thuộc diện bí mật quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn và công sức của cộng đồng hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của tổ chức, cá nhân cho phường - xã, thị trấn; các dự án đầu tư bằng nguồn vốn khác khi cộng đồng có yêu cầu.
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã cung cấp phục vụ cho việc giám sát đầu tư của cộng đồng.
d) Thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung và có các biện pháp khắc phục có hiệu lực các vi phạm quy chế, quy trình đầu tư xây dựng trong quá trình triển khai dự án mà Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có văn bản kiến nghị, yêu cầu.
e) Công khai địa chỉ, người chịu trách nhiệm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để tiếp nhận thông tin, phản ánh của cộng đồng.
10. Trách nhiệm của Nhà thầu:
a) Trả lời, giải trình, cung cấp các thông tin theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư khi nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã cung cấp phục vụ cho việc giám sát đầu tư của cộng đồng.
c) Khắc phục ngay các hành vi vi phạm làm tổn hại đến lợi ích của cộng đồng hoặc vi phạm các quy định trong đầu tư xây dựng.
11. Chế độ thông tin, báo cáo:
a) Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Chỉ thị này phải trả lời trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng
b) Định kỳ (06 tháng và một năm), Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn lập báo cáo tổng hợp kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng, gửi báo cáo cho Hội đồng nhân dân cùng cấp và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Thời hạn gửi báo cáo tổng hợp 06 tháng đầu năm vào tuần thứ hai của tháng 7; báo cáo tổng hợp một năm là tuần thứ hai của tháng 01 năm sau.
c) Định kỳ (06 tháng và một năm), Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, lập báo cáo kết quả giám sát đầu tư của cộng đồng tại thành phố, gửi báo cáo cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thời hạn gửi báo cáo tổng hợp 06 tháng đầu năm vào tuần thứ tư của tháng 7; báo cáo tổng hợp một năm là tuần thứ tư của tháng 01 năm sau.
12. Khen thưởng:
a) Các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng được các cấp có thẩm quyền tuyên dương, khen thưởng kịp thời theo quy định của pháp luật về khen thưởng.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tổng kết công tác giám sát đầu tư của cộng đồng và đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tuyên dương, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp tích cực và có hiệu quả trong hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng.
c) Các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định tuyên dương, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng.
13. Xử lý vi phạm:
a) Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng quyền giám sát đầu tư của cộng đồng để làm những việc trái với quy định của pháp luật.
b) Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Các cá nhân, tổ chức có vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng thì xử lý theo các quy định hiện hành.
14. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi ý kiến phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |