Chỉ thị 308/PC năm 1996 về việc tổ chức thực hiện Nghị định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và đường thuỷ nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải ban hành

Số hiệu 308/PC
Ngày ban hành 24/08/1996
Ngày có hiệu lực 24/08/1996
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Bùi Danh Lưu
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 308/PC

Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT VÀ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Sau hơn một năm thực hiện Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, chúng ta đã kiềm chế được sự gia tăng tai nạn giao thông đường bộ, tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ và đô thị có chuyển biến rõ rệt. Với chủ trương lập lại trật tự, kỷ cương an toàn giao thông nói chung, ngày 5/7/1996 Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/CP về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và Nghị định 40/CP về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Để thực hiện tốt 2 Nghị định này và Chỉ thị số 454/TTg ngày 5/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị cho các đơn vị triển khai những việc sau đây:

1. Đồng bộ với tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 39/CP, 40/CP phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Nghị định 36/CP, phát huy những kết quả đã đạt được tìm nhiều biện pháp thích hợp, cơ quan để đảm bảo kết quả đạt được ổn định, vững chắc và từng bước nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định 36/CP.

2. Tất cả các đơn vị, trên cơ sở "Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định của Chính phủ về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị" thành lập "Ban chỉ đạo an toàn giao thông", Ban này ở địa phương cử ngành Giao thông, Công an làm thường trực. Quyết định thành lập các Ban chỉ đạo gửi về Bộ trước ngày 1/9/1996.

3. Vụ Pháp chế vận tải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Đường sông Việt Nam, Liên hiệp Đường sắt Việt Nam, các đơn vị trong Bộ, các Bộ và Ngành có liên quan để xây dựng các văn bản dưới Nghị định 39/CP, 40/CP, đảm bảo trước ngày Nghị định có hiệu lực, hệ thống văn bản này phải được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện và có chất lượng tốt.

4. Ban chỉ đạo an toàn giao thông của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương phải xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 39/CP, 40/CP chu đáo, tỷ mỷ, chia ra làm nhiều giai đoạn thực hiện với mục tiêu cụ thể, đảm bảo thực hiện kết quả từng bước vững chắc. Để chỉ đạo cho phù hợp với đặc điểm của đường sắt và đường thuỷ nội địa, khi xây dựng kế hoạch Ban chỉ đạo cần phải xác định những địa bàn có tình hình trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ, đường sắt phức tạp để tập trung chỉ đạo nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực ở nơi đó, làm đà thực hiện tốt trong phạm vị toàn địa phương, toàn quốc.

Trong phạm vi cả nước, đối với đường thuỷ nội địa xác định các địa phương là trọng điểm chỉ đạo như sau:

Phía Bắc: Quảng Ninh, Nam Hà, thành phố Hải Phòng; vấn đề tập trung giải quyết: lập bến bãi tuỳ tiện, mất trật tự an toàn.

Phía Nam: Minh Hải, An Giang, thành phố Hồ Chí Minh; vấn đề tập trung giải quyết lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng, cắm đăng đáy cá, họp chợ trái phép trên sông, kênh, đặc biệt chú ý tại khu vực hành lang bảo vệ của cầu (phối hợp thực hiện Nghị định 36/CP).

Đối với đường sắt: trọng điểm giải quyết ở những thành phố sau: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh; trọng tâm là giải phóng lấn chiếm hành lang bảo vệ đường sắt, bố trí lại đường ngang qua đường sắt.

5. Trước ngày 1/9/1996 các đơn vị trong phạm vi quản lý của mình phải tổ chức tập huấn cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị những nội dung cơ bản của Nghị định, những cán bộ công nhân viên chức tham gia thực hiện Nghị định trực tiếp phải ký cam kết thực hiện Nghị định.

6. Trong công tác tổ chức giải toả lấn chiếm hành lang bảo vệ các công trình đường sắt và đường sông cần chú ý những vấn đề:

- Trước khi giải toả phải tiến hành điều tra và phải có kế hoạch giải toả từng bước, kế hoạch này phải công khai thông báo cho mọi người biết, ở những địa bản trọng điểm phải phối hợp chặt chữ với Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng công an giải toả dứt điểm trong những ngày đầu ra quân, phải đặc biệt coi trọng việc vận động quần chúng tự nguyên tháo dỡ những công trình vi phạm.

- Sau khi giải toả xong, đối với đường thuỷ nội địa phải xây kè, đối với đường sắt phải làm ngay hàng rào; song song với việc giải toả phải tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình giao thông, cắm mốc chỉ giới ở địa điểm đã được chọn làm trọng điểm, nơi đông dân cư trước, sau đó từng bước cắm đủ mốc chỉ giới.

- Cần có biện pháp chống tái lấn chiếm, các đơn vị phải quan hệ chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt quan trọng là Uỷ ban nhân dân cấp phường, xã, quận, huyện trong công tác giải toả lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình giao thông và chống tái lấn chiếm. Riêng đối với đường sắt, các Giám đốc xí nghiệp quản lý đường sắt ngoài việc thường xuyên báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân, cần quan hệ chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính) ở địa phương để cùng phối hợp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt.

7. Trong điều kiện của mình, các đơn vị cần coi trọng và tham gia tích cực công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Nghị định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các cấp, lực lượng cảnh sát khu vực để làm công tác vận động quần chúng cam kết thực hiện tốt Nghị định 39/CP, 40/CP.

Để tạo khí thế ban đầu thực hiện Nghị định 39/CP và 40/CP phải tổ chức ngày ra quân đồng loạt trong phạm vi cả nước, huy động mọi lực lượng tham gia rầm rộ và bằng nhiều hình thức. Ngày ra quân đồng loạt sẽ được thông báo thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục thực hiện Nghị định 39/CP, 40/CP phải làm thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với đường thuỷ nội địa phải quan tâm đặc biệt hình thức tuyên truyền qua Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh của các địa phương, đối với đường sắt cần phát huy vai trò của hệ thống phát thanh dưới ga, trên tàu, tăng cường phát hành báo chí, tờ rơi trên các đoàn tàu.

8. Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường sông Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát, Uỷ ban nhân dân các cấp, các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra phương tiện đường thuỷ và phải hoàn thành vào ngày 15/12/1996. Tập trung kiểm tra phương tiện đường thuỷ ở địa bàn trọng điểm, nơi tập trung đông phương tiện, nơi thường xẩy ra tai nạn trước.

Trong quá trình kiểm tra cần có biện pháp xử lý thích hợp với các trường hợp vi phạm, thời gian đầu chủ yếu là giáo dục tạo điều kiện để người vi phạm khắc phục, sau đó cần kiên quyết xử phạt theo quy định của pháp luật.

Khi kiểm tra tiến hành đồng bộ các vấn đề về đăng ký, đăng kiểm, bằng, chứng chỉ của người lái tàu thuyền và các quy định khác của pháp luật.

9. Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải tổ chức tốt việc bàn giao, việc đăng kiểm phương tiện thuỷ đánh bắt thuỷ sản từ Bộ Thuỷ sản, việc bàn giao phải tiến hành xong trước ngày 1/9/1996.

Cục Đăng kiểm Việt Nam phải nghiên cứu ngay việc tổ chức kiểm tra kỹ thuật phương tiện thuỷ nội địa chặt chẽ, áp dụng những công nghệ tiến bộ và các biện pháp quản lý tiên tiến. Bộ sẽ tổ chức thông qua kế hoạch này trong tháng 9/1996.

10. Vụ Tổ chức cán bộ - lao động phối hợp với Cục Đường sông Việt Nam, Vụ Pháp chế vận tải để xem xét lại toàn bộ các quy định về công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ hệ thống giáo trình, quy trình đào tạo trong giao thông đường thuỷ nội địa và đường sắt, nếu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung kịp thời.

11. Trong điều kiện của mình các đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho kho bạc Nhà nước đặt các trạm thu tiền phạt xử phạt vi phạm hành chính.

12. Trong quá trình thực hiện từng tháng, từng giai đoạn phải tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, tìm ra những biện pháp thích hợp để từng bước nâng cao hiệu quả của Nghị định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Các đơn vị phải thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo an toàn giao thông của Bộ những vướng mắc, khó khăn để giải quyết kịp thời.

[...]