Chỉ thị 297-CP năm 1979 về tổ chức xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985) do Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 297-CP
Ngày ban hành 20/08/1979
Ngày có hiệu lực 20/08/1979
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 297-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1979

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ BA (1981 - 1985)

Việc xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) đang được trung ương Đảng và Chính phủ coi là một công tác cấp bách nhằm chuẩn bị tốt một nội dung quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ năm; đồng thời làm cơ sở cho việc hợp tác kinh tế với các nước và nhất là phối hợp kế hoạch và hợp tác với các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) có một vị trí rất quan trọng, vì vừa phải tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ còn lại của kế hoạch 5 năm trước, vừa phải xúc tiến mạnh mẽ quá trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta để đưa nền kinh tế phát triển lên một bước mới.

Trong 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) cần quán triệt sâu sắc đường lối xây dựng và phát triển kinh tế của Đảng, tiếp tục tập trung cao độ phát triển nông nghiệp, ra sức phát triển lâm nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng; đồng thời xây dựng có trọng điểm một số ngành công nghiệp nặng và cơ sở vật chất hạ tầng nhằm giải quyết một cách cơ bản và vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân, đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, tăng nhanh xuất khẩu, tăng cường một bước cơ sở vật chất - kỹ thuật và chuẩn bị tốt điều kiện để triển khai xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên quy mô lớn trong kế hoạch sau. Đó cũng là phương hướng cơ bản để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý trong thời kỳ 1981 - 1985.

Đi đôi với việc từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, phải tiếp tục củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước, không ngừng tăng cường và cải tiến công tác quản lý, bảo đảm hiệu quả cao trong mọi hoạt động sản xuất và kinh doanh.

Để thực hiện được những nhiệm vụ nói trên, nội dung của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 phải quán triệt sâu sắc ý chí tự lực tự cường, dựa hẳn vào việc khai thác mọi năng lực và tiềm lực trong nước (lao động, đất đai, tài nguyên và các cơ sở vật chất - kỹ thuật đã có và đang được xây dựng), đồng thời tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nhất các khả năng viện trợ và hợp tác quốc tế, trước hết là của các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Để bảo đảm cho kế hoạch 1981 - 1985 có chất lượng tốt, vừa tích cực, vừa vững chắc, phải đổi mới phương pháp xây dựng kế hoạch, cụ thể là:

- Tiến hành tốt việc xây dựng kế hoạch từ cơ sở lên (từ liên hiệp các xí nghiệp, công ty, xí nghiệp liên hợp và xí nghiệp độc lập, từ huyện…);

- Kế hoạch phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, dự đoán nhu cầu và khả năng một cách khoa học và có căn cứ thực tế, tính đến các nhân tố mới về kinh tế và về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời bảo đảm điều kiện thực hiện xuất phát từ thực trạng của nền kinh tế;

- Phải gắn việc nghiên cứu các chủ trương phát triển kinh tế với việc nghiên cứu các chủ trương về biện pháp tổ chức, quản lý và chính sách;

- Phải kết hợp tốt việc kế hoạch hóa theo ngành và theo địa phương, vùng lãnh thổ; bước đầu thực hiện việc kế hoạch hóa theo chương trình đồng bộ có mục tiêu.

Để bảo đảm yêu cầu, nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch 5 năm (1981 - 1985), Thường vụ Hội đồng Chính phủ quyết định tiến hành những công tác chủ yếu dưới đây.

I. TỔNG KẾT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ CƠ BẢN VÀ MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH 5 NĂM 1976 - 1980

Cần tổng kết việc thực hiện kế hoạch trong hơn ba năm qua và đánh giá tình hình đến năm 1980 để làm rõ các vấn đề:

- Kết quả thực hiện những mục tiêu và nhiệm vụ cơ bản do Đại hội Đảng lần thứ tư và nghị quyết đại hội Đảng bộ của các địa phương đề ra;

- Đánh giá thực trạng nền kinh tế đến năm 1980 trên các lĩnh vực, ở từng ngành, từng địa phương;

- Trên cơ sở tình hình và kết quả thực tế, kiểm điểm việc vận dụng và chấp hành đường lối phát triển kinh tế của Đảng trong kế hoạch và trong hoạt động thực tiễn của từng ngành, từng địa phương và đơn vị;

- Phân tích nguyên nhân của tình hình.

Việc tổng kết phải thiết thực, cụ thể, sâu sắc, sát hợp với yêu cầu và giác độ của từng ngành, từng địa phương, từng cấp; cần vạch rõ những nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan; đồng thời chỉ ra được những khâu chính để có kiến nghị thiết thực nhằm làm chuyển biến tình hình.

Chính phủ thành lập Ban tổng kết trung ương gồm đại diện Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Thống kê, các Bộ quản lý tổng hợp, các Ban của Đảng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế; Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là cơ quan thường trực.

Nhiệm vụ của Ban tổng kết trung ương là giúp Chính phủ tổ chức chỉ đạo công tác tổng kết chung, tổng hợp báo cáo của các ngành và địa phương và làm báo cáo trình Chính phủ.

Các ngành, các địa phương cũng phải cử ra Ban tổng kết của ngành hoặc địa phương do một đồng chí lãnh đạo ngành, địa phương phụ trách. Nhiệm vụ của Ban tổng kết ngành, địa phương là tổ chức tổng kết theo ngành hoặc địa phương mình phụ trách, báo cáo lên lãnh đạo của ngành và địa phương; đồng thời, gửi báo cáo lên Ban tổng kết trung ương, sau khi đã được lãnh đạo thông qua.

Việc tổng kết sẽ làm song song với việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch 5 năm 1981 - 1985. Các ngành và địa phương cần kết hợp tốt để quý II năm 1980 tổng kết xong và gửi báo cáo lên Ban tổng kết trung ương.

II. TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ BA (1981 - 1985)

Để bảo đảm các yêu cầu của việc nghiên cứu xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985), các ngành và địa phương cần làm tốt những việc dưới đây.

1. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm giúp Chính phủ tổ chức toàn bộ việc nghiên cứu, xây dựng và tổng hợp kế hoạch 5 năm 1981 - 1985, có nhiệm vụ:

- Khởi thảo phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 1981 - 1985 với một cơ cấu kinh tế hợp lý để trình Bộ Chính trị và Thường vụ Hội đồng Chính phủ;

[...]