Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2006 về tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ do tỉnh Thanh Hóa ban hành
Số hiệu | 29/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/11/2006 |
Ngày có hiệu lực | 16/11/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Lê Thế Bắc |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-UBND |
Thanh Hóa, ngày 16 tháng 11 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN BỨC XẠ VÀ AN NINH CÁC NGUỒN PHÓNG XẠ
Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, kỹ thuật bức xạ hạt nhân đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học,… và đem lại những hiệu quả kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân một cách rộng rãi phải đi đôi với tăng cường kiểm soát an toàn bức xạ, hạt nhân tránh ô nhiễm môi trường gây tác hại đến sức khoẻ cộng đồng.
Trong thời gian qua các cấp, các ngành và các cơ sở bức xạ trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức đào tạo, triển khai điều tra, kiểm soát an toàn bức xạ; nhận thức về đảm bảo an toàn bức xạ của các cơ sở đã được tăng cường. Tuy nhiên một số cơ sở bức xạ vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh các qui định của pháp luật về an toàn bức xạ, hạt nhân như: khai báo, đăng ký, xin cấp giấy phép hoạt động, phòng lắp đặt thiết bị bức xạ chưa đảm bảo an toàn, các thiết bị bức xạ chưa được thực hiện kiểm định, một số nhân viên bức xạ chưa được trang bị liều kế cá nhân... Đến nay mới có 56% cơ sở bức xạ trong y tế đăng ký và được cấp phép, một số đơn vị có nguồn phóng xạ chưa khai báo
Để chấn chỉnh tình trạng này, giảm thiểu các nguy cơ bức xạ, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, tránh mất mát nguồn phóng xạ gây nguy hiểm cho xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ sở bức xạ thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tăng cường công tác hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về an toàn và kiểm soát bức xạ, xử lý kịp thời, kiên quyết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ; đặc biệt chú trọng kiểm tra các biện pháp đảm bảo an ninh các nguồn phóng xạ của các cơ sở bức xạ. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm soát an toàn bức xạ đối với các cơ sở bức xạ, các nguồn phóng xạ và địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức thẩm định về an toàn bức xạ trước khi cấp giấy phép, đối với địa điểm xây dựng cơ sở bức xạ, thiết kế xây dựng cơ sở bức xạ và cấp các loại giấy phép hoạt động bức xạ cho các cơ sở bức xạ trên địa bàn tỉnh theo qui định của pháp luật.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan, các cơ quan chuyên ngành có thẩm quyền, tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn bức xạ cho cán bộ phụ trách an toàn bức xạ, nhân viên bức xạ tại các cơ sở bức xạ. Hướng dẫn lập kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố bức xạ xảy ra.
- Lập kế hoạch và triển khai thực hiện “Điều tra, khảo sát, thống kê các cơ sở bức xạ, nguồn phóng xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ trên địa bàn tỉnh. Xây dựng phương án phòng, chống và khắc phục hậu quả khi có sự cố bức xạ tại địa phương”.
- Tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động quản lý an toàn và kiểm soát bức xạ.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân.
2. Các cơ sở bức xạ:
- Năm 2007 và những năm tiếp theo phải tập trung chấn chỉnh: Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân; kiểm tra rà soát quy trình kỹ thuật sử dụng nguồn phóng xạ; có biện pháp bảo vệ sức khoẻ của nhân viên bức xạ, bảo vệ nguồn phóng xạ, kiểm soát chất thải phóng xạ và biện pháp xử lý khi có sự cố xảy ra. đặc biệt lưu ý đối với các cơ sở khai thác sa khoáng trên địa bàn tỉnh. Tất cả các cơ sở bức xạ tiến hành khai báo, đăng ký, xin cấp giấy phép hoạt động của cơ sở bức xạ, giấy phép tiến hành công việc bức xạ. Lập, hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp giấy phép đối với việc sử dụng thiết bị phát tia X (trừ máy gia tốc) gửi về Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 30 tháng 5 năm 2007 để xin cấp phép.
- Khi muốn nâng cấp, mở rộng phạm vi, mục đích hoạt động ngoài quy định của giấy phép, hoặc khi muốn nâng cấp các thiết bị bức xạ ngoài nội dung của giấy đăng ký, cơ sở bức xạ phải gửi hồ sơ về Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị cấp giấy phép nâng cấp, mở rộng phạm vi, mục đích hoạt động của cơ sở bức xạ hoặc nâng cấp các thiết bị bức xạ và được sự đồng ý của Sở Khoa học và Công nghệ.
Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng phạm vi, mục đích hoạt động của cơ sở bức xạ, hoặc nâng cấp các thiết bị bức xạ, cơ sở bức xạ phải làm thủ tục xin sửa đổi giấy phép, hoặc cấp giấy đăng ký mới.
- Hàng năm, các cơ sở bức xạ gửi báo cáo về việc thực hiện công tác an toàn bức xạ của cơ sở tới Sở Khoa học và Công nghệ trước ngày 15 tháng 12.
- Khi phát hiện ra nguồn phóng xạ bị mất hoặc khi thấy có người bị thương hoặc bị chết nghi ngờ là do nguồn phóng xạ gây ra, phải thông báo ngay cho Uỷ ban nhân dân hoặc công an địa phương nơi gần nhất, Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân hay Sở Khoa học và Công nghệ.
3. Các sở, ban, ngành theo chức năng và nhiệm vụ của mình quản lý các tổ chức, cá nhân có cơ sở bức xạ, nguồn phóng xạ, địa điểm cất giữ chất thải phóng xạ hoặc tiến hành các công việc bức xạ có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn bức xạ trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt Pháp lệnh an toàn và kiểm soát bức xạ.
- Sở Y tế chỉ cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề sau khi cơ sở bức xạ có đầy đủ giấy phép theo quy định; tổ chức cơ sở y tế chuyên khoa để khám và theo dõi sức khoẻ định kỳ cho nhân viên bức xạ; Cấp cứu và điều trị những người bị chiếu xạ quá liều, những người bị bệnh phóng xạ, định kỳ phát hiện bệnh nghề nghiệp.
- Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế và Liên đoàn lao động Thanh Hoá áp dụng chế độ chính sách bồi dưỡng độc hại cho cán bộ quản lý an toàn bức xạ và nhân viên bức xạ.
- Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Điều tra các vụ mất nguồn phóng xạ, kinh doanh và sử dụng nguồn bức xạ trái phép.
- Hải quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc vận chuyển các nguồn bức xạ ở các cửa khẩu.
4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát an toàn bức xạ tại địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở bức xạ triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này./.
Nơi
nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |