Chỉ thị 27/2014/CT-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 27/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 30/10/2014
Ngày có hiệu lực 09/11/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Đỗ Hữu Nghị
Lĩnh vực Bất động sản

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 27/2014/CT-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 30 tháng 10 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ HOÀN THÀNH CHỈ TIÊU CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở VÀ TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp tỉnh) và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã xác định công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền  sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (viết tắt là giấy chứng nhận) là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thực hiện một cách cụ thể. Các huyện, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt về công tác cấp giấy chứng nhận; kết quả đối với đất nông nghiệp đã cấp 51.800,17/53.878,55 ha, đạt 96,11%; đất phi nông nghiệp đã cấp 3.310,46 ha/3.570,87 ha, đạt 92,71%, hoàn thành nhiệm vụ theo tinh thần của Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận và Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII.

Trong 09 (chín) tháng đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch cấp giấy chứng nhận, quyết định giao chỉ tiêu nhiệm vụ cho cấp xã; đồng thời tổ chức hội nghị chuyên đề triển khai công tác cấp giấy chứng nhận năm 2014. Định kỳ họp giao ban để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở từng xã; chỉ đạo các Phòng Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức phụ trách địa bàn từng xã để hướng dẫn và hỗ trợ cán bộ địa chính các xã triển khai cấp giấy chứng nhận theo kế hoạch. Tuy nhiên việc chỉ đạo này chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến Ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Do đó tỷ lệ cấp giấy 09 tháng đầu năm đạt thấp so với chỉ tiêu được giao (cả tỉnh đối với đất nông nghiệp chỉ đạt 32,54%; đất ở đạt 30,95%).

Nguyên nhân của việc cấp giấy 09 tháng đầu năm đạt thấp so với chỉ tiêu được giao đó là cán bộ, công chức tại cấp xã (đặc biệt là các xã miền núi thuộc huyện Ninh Sơn, Bác Ái) nghiệp vụ chuyên môn chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao mặc dù đã được tổ chức tập huấn nhiều lần, hướng dẫn trực tiếp, cụ thể. Đây cũng là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Ban Chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cấp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tổ chức để làm chuyển biến tình hình nhưng qua kiểm tra tại cơ sở vẫn không thực hiện, đặc biệt là việc lập bản đồ theo dõi tiến độ cấp giấy chứng nhận. Công tác chỉ đạo điều hành tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là cấp xã, dẫn đến tình trạng số lượng thửa đất chưa đăng ký, kê khai, chưa được cấp giấy chứng nhận còn rất nhiều. Công tác giải quyết tranh chấp đất đai, hoà giải tại cơ sở đối với những thửa đất đang có tranh chấp chưa được coi trọng.

Một số xã vẫn chưa lập được danh sách các hộ đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận để có những giải pháp xử lý cụ thể; chưa lập hồ sơ phân loại sau khi đã đăng ký để tập trung cấp giấy chứng nhận lần đầu. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số xã không nắm được tổng số thửa đất, diện tích cần cấp giấy chứng nhận, chủ sử dụng đất tại địa phương, số chủ sử dụng đất chưa kê khai đăng ký; chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận, chủ yếu giao cho cán bộ địa chính thực hiện mà chưa kiểm tra nhắc nhở. Công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật đất đai nâng cao nhận thức của người dân trong việc đăng ký cấy giấy chứng nhận chưa được quan tâm. Do vậy người dân chưa nhận thức được việc đăng ký quyền sử dụng đất là bắt buộc, dẫn đến vẫn còn rất nhiều hộ chưa đăng ký kê khai; nhiều xã chưa tổ chức khâu xét duyệt thường xuyên làm chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận.

Xuất phát từ tình hình trên, để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận và Nghị quyết số 30/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII. Đặc biệt là việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số công việc sau:

1. Nhiệm vụ:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận theo chỉ tiêu được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2014 về điều chỉnh chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận tại Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

Các cấp, các ngành phải xem công tác cấp giấy chứng nhận là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài; đồng thời phải xác định đây trách nhiệm phải hoàn thành trong năm 2014 và là chỉ tiêu thi đua trong năm 2014; phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính nhằm quản lý, khai thác việc sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận một cách có hiệu quả.

2. Giải pháp thực hiện:

a) Đối với diện tích đất nông nghiệp do lấn, chiếm, tranh chấp chưa được cấp giấy chứng nhận: Ủy ban nhân dân các huyện thành lập đoàn kiểm tra tình hình quản lý sử dụng đất tại các khu vực này, kết luận việc kiểm tra, phân loại hồ sơ; trường hợp nào đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì tổ chức cấp ngay, trường hợp nào chưa đủ điều kiện (còn tranh chấp, lấn chiếm) thì tập trung giải quyết việc tranh chấp lấn, chiếm theo thẩm quyền, sau khi đã giải quyết thì tổ chức kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận;

b) Đối với diện tích đất nông nghiệp (khoảng 1.900 ha) do các Ban quản lý ngành nông nghiệp, Chi cục Hợp tác xã nông nghiệp làm chủ đầu tư đã tổ chức khai hoang giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Chương trình 134, 135 và các dự án tái định canh khi thu hồi đất để xây dựng các công trình thủy lợi:

Sau khi bàn giao đất cho hộ gia đình, cá nhân thì các Ban quản lý và Chi cục đã không bàn giao hồ sơ hoàn công cho Ủy ban nhân dân các huyện để tổ chức cấp giấy chứng nhận theo quy định (các dự án này tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Bác Ái, huyện Ninh Sơn, ...).

- Giao Ủy ban nhân dân các huyện trực tiếp làm việc với chủ đầu tư để yêu cầu báo cáo và cung cấp toàn bộ hồ sơ để tổ chức kê khai đăng ký và cấp giấy chứng nhận.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ đầu tư do mình quản lý, trực tiếp bàn giao hồ sơ cho các huyện để tổ chức cấp giấy chứng nhận;

c) Đối với diện tích đất xâm canh (xã Phước Trung, huyện Bác Ái) chưa được kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013:

Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Phước Trung làm việc với các địa phương nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân có đất xâm canh để hướng dẫn, thông báo và cho tổ chức kê khai đăng ký. Các trường hợp đã đăng ký, Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Phước Trung tổ chức họp xét duyệt để hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận;

d) Đối với các trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất mà có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng ghi nợ thì được ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp theo quy định.

3. Trách nhiệm của các ngành, địa phương:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận tại cơ sở theo quy chế phối hợp đã ký kết. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; thanh tra công vụ để phát hiện, xử lý nghiêm những tiêu cực của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này về Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chỉ đạo Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn sớm hoàn chỉnh hồ sơ của các dự án tái định cư, tái định canh, các dự án khai hoang theo Chương trình 134, 135 trên địa bàn các huyện để chuyển cho các Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu việc giao đất và cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát diện tích đất nông nghiệp nằm trong đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định để đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định xử lý đúng trình tự pháp luật;

c) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí đủ kinh phí theo quy định từ ngân sách địa phương chi cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí kinh phí hằng năm cho việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính;

[...]