Chỉ thị 26/CT-UBND năm 2012 tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghề lừ xếp trên đầm phá do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 26/CT-UBND
Ngày ban hành 17/08/2012
Ngày có hiệu lực 17/08/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Lê Trường Lưu
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

Số: 26/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT, QUẢN LÝ NGHỀ LỪ XẾP TRÊN ĐẦM PHÁ

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn số 4818/UBND-NN ngày 15/10/2009, về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý nghề lừ xếp khai thác trên đầm phá. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý quy cách, phạm vi, số lượng, mật độ sử dụng nghề Lừ xếp trên đầm phá ở các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên và chưa có kế hoạch, biện pháp giảm dần về số lượng. Nguy cơ làm tổn hại đến môi trường thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên đầm phá do việc sử dụng Lừ xếp vi phạm các quy định là rất lớn. Để bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ suy thoái môi trường và nguồn lợi thủy sản trong đầm phá, UBND tỉnh yêu cầu:

1. UBND các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và UBND thị xã Hương Trà:

a) Chỉ đạo chính quyền cơ sở cấp xã và các lực lượng hữu quan kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ nghề Lừ xếp theo quy cách, phạm vi hoạt động theo đúng những quy định của UBND tỉnh tại Công văn số 4818/UBND-NN ngày 15 tháng 10 năm 2019:

- Chỉ cho phép sử dụng lừ có quy cách như sau:

+ Chiều dài tổng thể 1 cheo lừ xếp quy chuẩn phải nhỏ hơn 10 mét.

+ Lừ chỉ được sử dụng lưới có kích thước mắt lưới tối thiểu là loại 2a > =18 mm.

+ Kích thước khung sắt hình chữ nhật 34 X 22 cm (dài 34 cm, cao 22 cm).

- Phạm vi hoạt động khai thác nghề lừ xếp:

+ Hoạt động sử dụng “Lừ” để đánh bắt thủy sản trên đầm phá phải cách bờ theo quy hoạch tổng thể khai thác thuỷ sản, phần cho nghề cố định; chỉ được thả lừ ở những vùng nước có độ sâu phải lớn hơn 0,8 mét kể từ đáy; phải cách các trộ nghề cố định (nò sáo, đáy, chuôm) tối thiểu là 20 mét. Ngư trường thả “Lừ xếp” đảm bảo không vi phạm tuyến luồng giao thông thuỷ nội địa.

+ Hoạt động nghề “Lừ xếp” vào ban ngày phải thả phao ganh, vào ban đêm phải có phao đèn sáng báo hiệu vị trí và hướng thả lừ.

b) Tổ chức thực hiện cấp quyền khai thác thuỷ sản thuỷ vực đầm phá cụ thể cho các Chi hội Nghề cá cơ sở, theo quy chế quản lý, ban hành theo Quyết định số 4260/2005/QĐ-UB ngày 19/12/2005 của UBND tỉnh; quy định rõ số lượng và mật độ sử dụng “Lừ xếp” trên vùng nước cụ thể, không để phát triển thêm, đồng thời có kế hoạch giảm dần số lượng “Lừ xếp”.

c) Tổ chức kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu về việc giảm số lượng, mật độ sử dụng “Lừ xếp” tại từng địa bàn cấp xã một cách cụ thể, đồng thời có kế hoạch chi tiết cụ thể để thực hiện chỉ tiêu hạn chế số lượng sử dụng nghề “Lừ xếp” đến năm 2015 trong vùng đầm phá của địa phương mình.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nghề lừ xếp, xử lý tiêu hủy nếu xâm phạm các Khu Bảo vệ thủy sản trên đầm phá theo quy định pháp luật, xây dựng kế hoạch, giải pháp, mục tiêu cụ thể để tổ chức thực hiện giảm số lượng, mật độ sử dụng nghề “Lừ xếp” khai thác thủy sản trên đầm phá đến năm 2015./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu