Chỉ thị 26/CT-UB năm 1985 về giá thu mua, giá gia công và thuế công thương nghiệp đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 26/CT-UB
Ngày ban hành 23/05/1985
Ngày có hiệu lực 23/05/1985
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Võ Danh
Lĩnh vực Thương mại,Thuế - Phí - Lệ Phí

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 26/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 5 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ GIÁ THU MUA, GIÁ GIA CÔNG VÀ THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SẢN XUẤT TTCN

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển sản xuất trong khu vực tiểu thủ công nghiệp, bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước 1985, tích cực góp phần giải quyết và tạo thêm công ăn việc làm cho nhân dân lao động theo tinh thần nghị quyết 6 và 7 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết 6 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh việc tính giá thu mua giá gia công và suất miễn thu thuế lợi tức đối với người sản xuất tiểu thủ công nghiệp như sau:

I- GIÁ MUA VÀ GIÁ GIA CÔNG HÀNG TTCN.

Việc định giá thu mua và giá gia công phải căn cứ như các quy định Nhà nước đã ban hành, nay bổ sung và điều chỉnh một số điểm:

1. Chi phí vật tư (nguyên liệu, nhiên liệu…)

a) Vật tư chính và phụ được tính theo định mức tiêu chuẩn của Nhà nước (của ngành, của Thành phố); đối với những sản phẩm mà các định mức nói trên chưa có thì bên A và B trao đổi thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng kinh tế và cơ quan chủ quản của hai bên xét duyệt.

b) Nếu trong hợp đồng kinh tế quy định cơ sở sản xuất tự cân đối vật tư thì giá vật tư được tính theo khung giá thành phố quy định. Trường hợp loại vật tư nào chưa có trong khung giá, hai bên A và B thỏa thuận giá – có tham khảo giá thị trường và có sự xác nhận của phòng giá Quận, Huyện.

Hàng quý Ủy ban Vật giá thành phố phối hợp với Công ty Vật tư tổng hợp thành phố và các cơ quan hữu quan xem xét, điều chỉnh, bổ sung khung giá cho phù hợp.

c) Trường hợp áp dụng phương thức bán nguyên liệu – mua thành phẩm, nếu Ngân hàng chưa có điều kiện cho vay vốn để mua vật tư, cơ sở sản xuất phải dùng vốn tự có hoặc huy động vốn bên ngoài, cho phép cơ sở sản xuất được tính mức lãi suất bằng 5%/tháng.

d) Cơ sở sản xuất sử dụng vật tư nhập (bằng ngoại tệ) huy động của thân nhân ở nước ngoài gởi về, những vật tư này được tính theo giá như quy định ở điểm “b” trên đây, ngoài ra còn được mức lãi suất như nói ở điểm “c” trên đây.

2. Tiền vận chuyển bốc xếp được tính theo giá thực thanh toán có xác nhận của cơ quan quản lý địa phương.

3. Tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất tiền công (gọi tắt là tiền công):

Tiền công được tính theo định mức lao động đã quy định, trường hợp chưa có định mức thì hai bên A – B trao đổi thỏa thuận và được cơ quan chủ quản của hai bên xác nhận.

Trên cơ sở định mức lao động hợp lý, làm đủ ngày giờ công theo chế độ, tiền công và các khoản phụ cấp của người thợ TCN – TCN được đảm bảo đủ nuôi sống bản thân và một người ăn theo trên tinh thần Nhà nước không bao cấp như lương thực nhu yếu phẩm – mua theo giá bảo đảm kinh doanh (tiền công bình quân cho từng ngành có quy định riêng) Ủy ban vật giá cùng Sở lao động và các cơ quan hữu quan theo dõi và kịp thời kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố điều chỉnh tiền công cho phù hợp nếu có sự thay đổi về giá cả.

Các khoản phụ cấp: bảo đảm xã hội, bảo hộ lao động, Y tế phí… mang tính chất tiền công, được tính đầy đủ vào tiền công.

4. Khấu hao tài sản cố định:

Tài sản cố định sử dụng sau ngày 01-10-1981 được tính theo giá thực mua hoặc giá chỉ đạo của thành phố.

Nếu máy móc thiết bị của cơ sở sản xuất được nhập bằng vốn ngoại tệ huy động của nhân dân ở nước ngoài, được tính theo giá như quy định ở mục “b” điểm 1 trên đây.

Tài sản cố định sử dụng trước ngày 01-10-1981 được định lại theo giá chỉ đạo của thành phố.

Ủy ban vật giá và Sở tài chánh phối hợp cùng các cơ quan liên quan, hướng dẫn việc định giá và chế độ tính khấu hao tài sản cố định.

5. Chi phí về quản lý hành chánh:

Được tính vào chi phí quản lý hành chánh theo chế độ hiện hành, các khoản dưới đây được tính bằng một tỷ lệ phần trăm (%) của tiền công (như nói ở điểm 3)

- Tiền công cho lao động gián tiếp sản xuất bằng từ 5% đến 10%.

6. Kinh phí ngành được tính bằng 1,5% tiền công chính (không có các khoản phụ cấp có tính chất tiền công).

7. Lãi định mức:

Đối với hợp tác xã cấp cao, ngành nghề được ưu đãi, mặt hàng có chất lượng cao, các sản phẩm đòi hỏi quy trình kỹ thuật phức tạp… thì lãi định mức được tính bằng 10% đến 20% của tiền công.

Các sản phẩm sản xuất giao nộp cho xuất khẩu, lãi định mức được tính bằng 10% đến 25% của tiền công.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ