Chỉ thị 26/2007/CT-UBND về tập trung khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm học 2007-2008 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 26/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 09/08/2007
Ngày có hiệu lực 19/08/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Trương Ngọc Hân
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2007/CT-UBND

Thành phố Cao Lãnh, ngày 09 tháng 8 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ TẬP TRUNG KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2007-2008

Quán triệt Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và Chỉ thị số 39/2007/CT-BGDĐT ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp và các trường, khoa sư phạm trong năm học 2007 - 2008. Để thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2007 - 2008 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân Tỉnh Chỉ thị Ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban ngành Tỉnh có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Quán triệt sâu sắc trong các cấp quản lý giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, các em học sinh, sinh viên tiếp tục thực hiện nghiêm túc và thiết thực Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết với việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục cho các đối tượng cụ thể với các hình thức linh hoạt, nội dung thiết thực, gần gũi.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, thường xuyên trao dồi tư cách, phẩm chất nhà giáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chấp hành pháp luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo, thường xuyên tự học, nâng cao trình đôï, thực hiện tốt nội dung của cuộc vận động “Hai không”, để mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức và tự học.

2. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt phân ban lớp 10, lớp 11 và khắc phục việc ngồi nhầm lớp. Phát triển và ứng dụng rộng rãi hệ thống các công cụ phục vụ đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Đẩy mạnh giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hướng nghiệp và giáo dục pháp luật.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2006 - 2010, chương trình thí điểm giáo dục mầm non; tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mẫu giáo 5 tuổi, ở những vùng khó khăn, đảm bảo tất cả trẻ 5 tuổi đều được đi học mẫu giáo để làm quen với chữ viết trước khi vào lớp 1; tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo an toàn; tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên, người chăm sóc trẻ đạt yêu cầu chuẩn quy định.

Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở các cấp học, đảm bảo xét cho lên lớp đúng tiêu chuẩn; xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp đặc biệt, để trong vòng từ 2 đến 3 năm tới khắc phục cơ bản việc ngồi nhầm lớp.

Tổ chức cung ứng sách giáo khoa, thiết bị dạy học một cách kịp thời, đảm bảo đủ số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng; rà soát, đánh giá công tác quản lý, hiệu quả việc khai thác, sử dụng, bảo quản các thiết bị dạy học ở các trường phổ thông.

3. Triển khai thực cuộc vận động “Hai không” tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên; xác định các biện pháp có tính khả thi để tạo động lực học tập và nâng cao chất lượng học tập của giáo dục thường xuyên, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, coi trọng việc đánh giá đúng chất lượng, kiên quyết không để học viên không đủ tiêu chuẩn lên lớp.

4. Thực hiện việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, gắn với đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của xã hội; quan tâm hoàn thiện mô hình và chất lượng trường trung học phổ thông kỹ thuật đang thực hiện thí điểm, mô hình vừa học bổ túc văn hóa vừa học nghề tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Lai Vung và Lấp Vò cho học sinh lớp 9 không đủ điều kiện học tiếp lên trung học phổ thông.

5. Chú trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy đủ các môn học và tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp theo qui định về chương trình sách giáo khoa; giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh; giáo dục thể chất; giáo dục thẩm mỹ; giáo dục hướng nghiệp; giáo dục trật tự an toàn giao thông và giáo dục pháp luật; giáo dục phòng, chống các tệ nạn xã hội, tội phạm, ma túy, HIV/AIDS; giáo dục bản sắc văn hóa các dân tộc.

6. Phối hợp với các sở, ngành liên quan: xây dựng kế hoạch, triển khai cuộc vận động “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông”.

7. Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra đánh giá theo yêu cầu phản ánh đúng chất lượng quá trình dạy và học.

8. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 29/KH-UB ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp, luân chuyển đúng thực chất đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn.

Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đối với các qui trình giải quyết công việc, tin học hóa các hoạt động quản lý.

9. Tiến hành rà soát, xây dựng và thực hiện các chuẩn về cơ sở vật chất trường học, thiết bị dạy học, đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Hoàn tất Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2003-2005 và chủ động chuẩn bị có kế hoạch thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2007-2010 theo kế hoạch của Chính phủ.

10. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong toàn Tỉnh:

Củng cố và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở đảm bảo chất lượng và tính bền vững; thực hiện phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện.

Triển khai thực hiện tốt đề án của Chính phủ và Kế hoạch của Tỉnh về “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến năm 2010”. Thường xuyên theo dõi, củng cố kịp thời quá trình thực hiện việc chuyển đổi loại hình trường THPT bán công sang loại hình trường THPT công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động theo đúng định hướng phát triển giáo dục của Tỉnh và Luật Giáo dục.

Tiếp tục vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ cho giáo dục với các hình thức phù hợp; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; phối hợp với Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức và các cơ quan thông tin đại chúng, thông tin tuyên truyền, cổ vũ, nêu gương những cá nhân, gia đình, dòng họ, xóm ấp,... phát huy truyền thống hiếu học.

Thực hiện tốt công bằng trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục vùng khó khăn, quan tâm giáo dục trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu nhằm tạo tiền đề cho công tác bồi dưỡng nhân tài. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, động viên khuyến khích dạy tốt, học tốt, quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Quyết tâm khắc phục khó khăn đẩy nhanh tốc độ phát triển giáo dục của Tỉnh so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước.

Ủy ban nhân dân Tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc, tinh thần Chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân Tỉnh vào cuối năm học./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Ngọc Hân

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ