Chỉ thị 24/CT-UBND năm 2023 tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Số hiệu 24/CT-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ QUY HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Thời gian qua, tốc độ xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, các dự án đô thị được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng từng bước được nâng cao; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng của UBND các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ phủ kín quy hoạch xây dựng tăng lên, chất lượng đồ án quy hoạch được cải thiện và đã bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh; tình hình trật tự xây dựng cơ bản đi vào nền nếp, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân có nhiều tiến bộ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh;

Tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể là: Một số địa phương quy hoạch chưa được phủ kín ở các cấp độ, việc lập thiết kế đô thị, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn còn chậm triển khai; việc vi phạm các quy định của pháp luật trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng vẫn thường xuyên xảy ra cục bộ tại một số địa phương như: xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch xây dựng, xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép, vi phạm chỉ giới xây dựng,... ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mỹ quan đô thị.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương chưa quyết liệt, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh, buông lỏng công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng; chậm phát hiện, xử lý chưa kịp thời, triệt để một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, làm rõ trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của UBND các cấp, các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức vai trò của quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định công tác quy hoạch là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng dầu của các cấp, các ngành, thực hiện kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

2. Bám sát, đánh giá đúng tình hình, tăng cường năng lực dự báo, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đảm bảo tuân thủ đúng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

3. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng. Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để triển khai theo dõi, đánh giá thực hiện quy hoạch, xây dựng; kiên quyết chống tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch, xây dựng.

4. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan đi đôi với cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy được tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương, khai thác các nguồn lực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phục vụ tốt hơn nhu cầu của tổ chức và lợi ích của nhân dân.

II. CÁC NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Sở Xây dựng

a) Rà soát triển khai các văn bản, quy định trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng hoặc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

b) Tăng cường phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và Kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 16 tháng 11 năm 2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 38-CT/TU ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để các tổ chức, cá nhân nắm và thực hiện. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật về xây dựng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là ở cấp huyện, cấp xã.

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị trên hệ thống thông tin địa lý GIS,… ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công khai, cung cấp, tra cứu thông tin về quy hoạch xây dựng, dự án phát triển đô thị, nhà ở,… qua các thiết bị di động, mạng internet nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về quy hoạch xây dựng.

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện thực hiện một số nội dung sau:

- Tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước gắn với công tác kiểm tra, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan ở địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo chủ động cho địa phương; làm rõ, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

- Kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn UBND cấp huyện trong việc tổ chức lập, trình phê duyệt, rà soát điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đảm bảo đồng bộ các cấp đô quy hoạch (gồm: Quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn, quy hoạch chi tiết,...), quy chế quản lý kiến trúc làm cơ sở cho việc quản lý phát triển đô thị và quản lý trật tự xây dựng.

- Tập trung rà soát các quy hoạch xây dựng trên địa bàn đã quá thời hạn quy định, có bất cập, không còn phù hợp, đồng thời đề xuất phương án xử lý, khắc phục, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

- Hướng dẫn UBND các cấp triển khai thực hiện công tác công bố công khai đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy chế quàn lý kiến trúc đô thị và nông thôn trên địa bàn đảm bảo các công trình được xây dựng trên địa bàn đúng theo quy hoạch được duyệt.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, công tác quản lý xây dựng và công tác quản lý về điều kiện năng lực đối với các doanh nghiệp tham gia tư vấn xây dựng trên địa bàn tỉnh.

- Về lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng:

+ Tăng cường kiểm tra, giám sát những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; theo dõi việc chấp hành ngừng thi công xây dựng đối với những công trình do Sở Xây dựng cấp phép hoặc công trình do UBND cấp huyện cấp Giấy phép xây dựng vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền; xử lý nghiêm các công trình thi công xây dựng không đảm bảo quy định về an toàn lao động, vệ sinh môi trường... trong thi công xây dựng công trình; kiến nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân được phân công quản lý trật tự xây dựng nhưng buông lỏng trong quản lý, không phát hiện hoặc không xử lý vi phạm triệt để.

+ Rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 61/2020/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân cấp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, thay thế phù hợp với quy định hiện hành.

+ Chỉ đạo Thanh tra Sở tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng theo kế hoạch và sự chỉ đạo của cấp trên; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhân viên làm nhiệm vụ xử lý vi phạm trật tự xây dựng cấp huyện, cấp xã. Đồng thời hỗ trợ UBND cấp huyện trong chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn về xử lý vi phạm trật tự xây dựng khi có đề nghị của địa phương; theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm trật tự xây dựng để báo cáo Giám đốc Sở Xây dựng và Thanh tra Bộ Xây dựng; kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh xử lý Chủ tịch UBND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng trong quản lý về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm.

2. Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao công nghệ sinh học

a) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn về quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng theo giấy phép đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ được phân cấp quản lý.

[...]