Chỉ thị 235-TTg năm 1979 về công tác thương binh liệt sĩ và xã hội trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 235-TTg
Ngày ban hành 05/07/1979
Ngày có hiệu lực 20/07/1979
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Đỗ Mười
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

*******

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc

*******

Số: 235-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 1979

 

VỀ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH LIỆT SĨ VÀ XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Sau chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, công tác thương binh liệt sĩ và xã hội đã được nhanh chóng triển khai trong phạm vi cả nước.

Từ đó đến nay, hàng chục vạn liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cán bộ và quân nhân mất tin trong kháng chiến, người và gia đình có công với cách mạng đã được xác nhận và thực hiện chính sách. Hàng vạn thương binh, bệnh binh đã được chữa bệnh, dạy nghề và sắp xếp việc làm. Thương binh, bệnh binh, cán bộ và quân nhân về hưu, bộ đội phục viên, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công với cách mạng đã được giúp đỡ, phát huy truyền thống và phẩm chất cách mạng. Các bố mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn, các con của liệt sĩ, các cháu mồ côi, tàn tật đã được chăm sóc. Đồng bào ở những vùng bị thiên tai và có chiến sự (do bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược) đã được tận tình giúp đỡ để sớm ổn định về đời sống và sản xuất. Những người là nạn nhân của các tệ nạn xã hội cũ đã được tích cực giúp đỡ và cải hóa.

Tuy nhiên, công tác thương binh liệt sĩ và xã hội do hậu quả của mấy chục năm chiến tranh kéo dài và ác liệt cũng còn nhiều tồn tại. Đến nay vẫn còn có liệt sĩ, thương binh, cán bộ và quân nhân mất tin trong kháng chiến, người và gia đình có công với cách mạng (nhất là ở các tỉnh phía Nam) chưa được xác nhận và giải quyết quyền lợi theo chính sách quy định. Nhiều gia đình thương binh, bệnh binh gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình cán bộ, quân nhân mất tin trong kháng chiến (nhất là những gia đình không còn lao động chính, neo đơn, hoặc những gia đình ở những nơi bị thiên tai nặng và có chiến sự) đang còn nhiều khó khăn trong đời sống. Thương binh, bệnh binh, bộ đội phục viên, cán bộ, công nhân và quân nhân về hưu, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công với đất nước là những lực lượng to lớn và trung kiên của cách mạng chưa được chú ý thường xuyên bồi dưỡng và phát huy…

Những tồn tại và thiếu sót kể trên đã làm cho anh chị em và các gia đình nói trên giảm sút lòng tin đối với việc chấp hành chính sách; làm ảnh hưởng đến lòng hăng say lao động và nhiệt tình cách mạng của anh chị em và các gia đình trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm cách mạng, sự đoàn kết gắn bó giữa anh chị em và các gia đình này đối với chính quyền cơ sở có nơi bị giảm sút, có lúc, có chỗ đã nảy sinh những tiêu cực đáng tiếc làm cho phong trào ở một số địa phương phát triển chậm, hạn chế kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị khác ở những nơi này.

Hiện nay cả nước ta, sau thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lại phải đương đầu với thế lực xâm lược mới là bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc, để bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhân dân cả nước ta vừa đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tình hình trên đang đặt ra cho công tác thương binh liệt sĩ và xã hội những yêu cầu mới, vừa phải kiên quyết khắc phục nhanh chóng những vấn đề tồn tại của mấy chục năm kháng chiến trước đây, lại vừa phải kịp thời giải quyết chu đáo những vấn đề thương binh liệt sĩ và xã hội mới nảy sinh trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và lao động xây dựng đất nước ngày nay.

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các cấp trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức thực hiện các chính sách thương binh liệt sĩ và xã hội đã ban hành.

Trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm cho mọi thương binh, bệnh binh, bộ đội phục viên, cán bộ, công nhân và quân nhân về hưu, gia đình liệt sĩ, gia đình cán bộ và quân nhân mất tin trong kháng chiến, người và gia đình có công với cách mạng đều được thường xuyên chăm sóc, động viên và được thực hiện đầy đủ quyền lợi theo chính sách của Nhà nước đã quy định để mọi người có mức sống ngang với mức sống trung bình của nhân dân địa phương, xứng đáng với truyền thống vẻ vang là lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng, là chỗ dựa vững chắc của tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể địa phương. Những người có khó khăn khác trong xã hội thì được giúp đỡ, cải hóa tận tình để ai nấy đều có điều kiện làm tốt nghĩa vụ công dân.

Cụ thể các ngành, các cấp cần chú ý làm tốt mấy công tác sau đây:

1. Từng địa phương phải có chương trình, kế hoạch giải quyết vấn đề thương binh và xã hội, thể hiện rõ trong kế họach hàng năm của địa phương mình; có phương án dự phòng giải quyết vấn đề này nếu chiến tranh lại xảy ra; tùy tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc mà chuyển hướng công tác này cho thích hợp, bảo đảm cho các chính sách thương binh và xã hội, chính sách hậu phương quân đội được thực hiện chu đáo.

2. Ở các tỉnh, thành phố miền Nam cần khẩn trương hoàn thành trong năm nay việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, cán bộ và quân nhân mất tin trong kháng chiến, người và gia đình có công với cách mạng từ nay trở về trước. Ở các tỉnh miền Bắc cần ráo riết kiểm tra để giải quyết nhanh, gọn những trường hợp tồn tại và sai sót về mặt này. Xác nhận đến đâu phải giải quyết ngay đến đó mọi quyền lợi của anh chị em và các gia đình theo đúng chính sách, chế độ đã ban hành.

Từ nay về sau, mọi trường hợp thương vong trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu phải được giải quyết kịp thời và chu tất; phải nhanh chóng báo tin cho gia đình anh chị em và giải quyết đầy đủ mọi quyền lợi cho gia đình sau khi xảy ra thương vong.

3. Tiếp tục và tích cực giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công với cách mạng, gia đình cán bộ và quân nhân mất tin trong kháng chiến, nhất là những bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu, neo đơn, những thương binh, bệnh binh nặng, những người và gia đình gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Chăm sóc, giáo dục chu đáo hơn nữa các con của liệt sĩ (nhất là đối với các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ); có kế hoạch bồi dưỡng đào tạo các cháu trở thành lực lượng cách mạng trung kiên sau này.

Củng cố và phát triển phong trào toàn Đảng, toàn dân chăm sóc, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, người và gia đình có công với cách mạng. Những nơi đã có phong trào thì cần củng cố và đưa phong trào đi vào bề sâu. Những nơi chưa có phong trào thì phải xây dựng cho được phong trào, bảo đảm trong một thời gian ngắn, khắp nơi trong cả nước đều có phong trào toàn Đảng, toàn dân làm theo lời Bác Hồ chấp hành chu đáo chính sách thương binh liệt sĩ và xã hội.

4. Thường xuyên bồi dưỡng, phát huy truyền thống cách mạng và khả năng to lớn của thương binh, bệnh binh, bộ đội phục viên, gia đình liệt sĩ, cán bộ, công nhân và quân nhân về hưu, người và gia đình có công với cách mạng, trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng, những con người mới, gia đình văn hóa mới tiêu biểu ở địa phương.

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng người công dân kiểu mẫu và gia đình cách mạng gương mẫu trong thương binh và gia đình liệt sĩ. Cuộc vận động này cần gắn với cuộc vận động phát huy bản chất tốt đẹp , nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân và kết hợp chặt chẽ với việc động viên toàn dân, toàn quân học tập, noi gương các anh hùng, liệt sĩ quyết tâm đánh thắng giặc Trung Quốc xâm lược.

5. Đi đôi với việc chấp hành chu đáo chính sách thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương quân đội, cần thực hiện tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân. Hướng dẫn các hợp tác xã từng bước thực hiện các hình thức bảo hiểm đối với xã viên cho phù hợp với điều kiện khả năng của từng nơi.

Thực hiện tốt hơn nửa các chính sách cứu trợ xã hội đối với những người gặp khó khăn do bị thiên tai và địch họa, những người già, neo đơn, người tàn tật và các cháu mồ côi. Trong công việc này phải chú trọng tổ chức động viên nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Tiếp tục làm tốt việc cải hóa những nạn nhân của chế độ xã hội cũ nhằm giúp họ xây dựng cuộc sống mới, trở thành những người có ích cho xã hội.

6. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục chính sách thương binh liệt sĩ và xã hội trong các cấp, các ngành và trong cán bộ, nhân dân (nhất là trong các cơ quan, đơn vị có liên quan nhiều đến việc chấp hành chính sách thương binh, liệt sĩ); đồng thời đôn đốc, kiểm tra, đi sâu xuống cơ sở, nắm được tình hình chấp hành chính sách để có biện pháp sửa chữa có hiệu quả những tồn tại, sai sót. Phê phán nghiêm khắc và xử lý kịp thời những cơ quan, đơn vị, những người có hành động vi phạm chính sách, có thái độ quan liêu hống hách, vô trách nhiệm, lợi dụng tham ô trong khi thực hiện chính sách thương binh liệt sĩ và xã hội.

Chính sách thương binh liệt sĩ và xã hội là một chính sách lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước. Chấp hành tốt chính sách thương binh liệt sĩ và xã hội là nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân. Từng ngành, từng cấp và mỗi cơ quan, đoàn thể, xí nghiệp, công , nông, lâm trường, bệnh viện, trường học, hợp tác xã… phải làm tốt hơn nữa chức trách của mình trong công việc này.

Riêng những ngành có liên quan nhiều, cần nêu cao tinh thần chủ động phối hợp với ngành thương binh và xã hội để cùng với Ủy ban nhân dân các cấp tạo thành sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện công tác thương binh và xã hội trong tình hình mới.

Cụ thể:

- Bộ Quốc phòng, Bội Nội vụ cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Thương binh và xã hội và tăng cường sự chỉ đạo các đơn vị trực thuộc để giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc công tác thương binh liệt sĩ, công tác hậu phương quân đội và công tác bảo hiểm xã hội trong ngành theo trách nhiệm đã được phân công.

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần quan tâm giúp đỡ những điều kiện cần thiết để cho ngành thương binh và xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch được giao.

- Bộ Y tế cần tăng cường hoạt động của ngành mình trong việc tổ chức cứu chữa, điều trị, giám định y khoa, phục hồi chức năng và hỗ trợ cho ngành thương binh và xã hội về phục hồi chức năng lao động đối với thương binh và người có tật; bảo đảm thực hiện tốt các chính sách, chế độ về khám bệnh, chữa bệnh, chăm lo sức khỏe cho thương binh, bệnh binh, cán bộ, công nhân và quân nhân về hưu và mất sức, gia đình liệt sĩ, người và gia đình có công với cách mạng…

- Ngành giáo dục phối hợp với ngành thương binh và xã hội và các đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện tốt hơn nữa việc chăm sóc, giáo dục con liệt sĩ ở các trường phổ thông, bảo đảm cho các cháu có sức khỏe tốt, đạo đức tốt  và học tập tốt; có kế họach tổ chức việc dạy chữ cho những trẻ em bị hỏng mắt hoặc câm điếc.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ