Chỉ thị 223PH/VB năm 1958 hướng dẫn cấp giấy chứng nhận giữ vàng do Ngân hàng Quốc gia ban hành
Số hiệu | 223PH/VB |
Ngày ban hành | 15/12/1958 |
Ngày có hiệu lực | 30/12/1958 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Ngân hàng quốc gia |
Người ký | Lê Viết Lượng |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
NGÂN
HÀNG QUỐC GIA |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 223PH/VB |
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1958 |
HƯỚNG DẪN VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GIỮ VÀNG
Kính gửi: |
- Các Ủy ban Hành
chính tỉnh và thành phố, |
Để thi hành chỉ thị số 532-TTG ngày 11-12-1958 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận giữ vàng, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi chính đáng của người có vàng, đồng thời để Nhà nước có biện pháp thích hợp ngăn chặn việc buôn bán lẻn lút và đầu cơ xuất lậu, góp phần củng cố tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo công thương nghiệp tư doanh theo đường lối xã hội chủ nghĩa.
Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tiến hành cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân.
Việc cấp giấy giữ vàng cần phải làm nhanh, gọn, không thiếu sót, tránh gây phiền phức cho nhân dân.
Tiến hành công tác này, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn như: người có nhiều vàng sợ lộ giầu, sợ kê khai sẽ lên thành phần, sợ Chính phủ sẽ trưng mua với giá hạ, những hiệu kinh doanh mua bán vàng trước đây còn dấu tồn kho nay khai ra sợ Chính phủ truy thu thuế v.v… Đi đôi với những lo sợ trên, bọn phá hoại có thể lợi dụng để xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân. Riêng đối với các tầng lớp khác thì sợ phiền, ngại khó…
Tuy có những khó khăn trên nhưng chúng ta cũng có nhiều thuận lợi: chính sách quản lý vàng bạc căn bản là nhằm phục vụ quyền lợi cho nhân dân, hơn nữa chủ trương kê khai xin cấp giấy chứng nhận giữ vàng giải quyết được đa số không phải khai mà chỉ đụng chạm đến một số ít người có vàng tương đối khá. Chính sách quản lý vàng bạc đã tiến hành dần từng bước và đã thu được kết quả tốt; những tầng lớp có nhiều vàng cũng đã được chuẩn bị tư tưởng trong bước quản lý vừa qua, cho nên khi phổ biến chủ trương này họ cũng không đột ngột đến nỗi phải hoang mang nhiều. Vậy nếu chúng ta giải thích kỹ cho nhân dân được thông suốt hiểu rõ chính sách thì họ sẽ tán thành ủng hộ chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Để tiến hành cấp giấy thu được kết quả tốt, chúng ta cần có biện pháp cụ thể và chuẩn bị thực đầy đủ, nhất là về mặt tuyên truyền giải thích phải làm thật kỹ và sâu rộng trong nhân dân.
Sau đây chúng tôi xin hướng dẫn một số biện pháp để tiến hành:
1. - Việc tuyên truyền phổ biến
Qua bước quản lý vừa rồi, việc tuyên truyền phổ biến không làm được kỹ, làm cho một số người vì không nắm được nội dung chính sách của Nhà nước đã nảy ra một số tư tưởng sai lầm, phần nào đã ảnh hưởng không tốt đến công tác quản lý vàng bạc. Vì vậy lần này để chuẩn bị cho việc cấp giấy tiến hành được tốt trước hết cần phải tuyên truyền chính sách sâu vào trong nhân dân.
Việc tuyên truyền cần thống nhất vào Ban tuyên huấn tỉnh và do ban tuyên huấn đứng ra phụ trách. Tuy truyền nhằm giải thích kỹ chính sách quản lý kim khí quý, đá quý, ngọc trai, nói rõ mục đích ý nghĩa của việc cấp giấy. Chủ yếu là để ngăn chặn đầu cơ xuất lậu, ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ, đến tài sản quốc dân; người có vàng vẫn được tự do cất giữ… Chú trọng làm cho những người có vàng biết rõ tác dụng của việc cấp giấy là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người có vàng. Chính phủ sẽ công nhận số vàng mà mọi người hiện có; một khi đã được cấp giấy rồi, dù có xảy ra mất mát, có nhiều thuận lợi trong việc truy cứu. Những người kê khai đúng, về sau muốn mang từ nơi này đi nơi khác xuất trình giấy chứng nhận sẽ được Ngân hàng cấp giấy phép một cách dễ dàng. Trái lại những người dấu diếm hay man khai về sau sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc mua bán cũng như trong việc vận chuyển. Ngoài ra cần chú ý giải quyết những thắc mắc cụ thể của nhân dân như kê khai xong có đánh thuế không, vàng xấu thấp tuổi, v.v…
Việc tuyên truyền phổ biến chính sách cần phải làm trên trước dưới sau, trong nước ngoài sau, về hình thức tuyên truyền thì chú ý; tổ chức nói chuyện trong nhân dân, phổ biến trong các Hội nghị, giải thích qua đài truyền thanh của địa phương v.v… Việc tuyên truyền cần đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với những thành phố hay thị xã sắp cấp giấy còn đối với nông thôn thì chỉ phổ biến cho cán bộ biết để giải thích cho nhân dân khỏi hoang mang.
Kinh nghiệm những tỉnh nào giải thích kỹ chính sách, nhân dân sẽ không thắc mắc và sẽ phấn khởi chấp hành đầy đủ chủ trương chính sách của ta. Do đó các Ủy ban và chi nhánh Ngân hàng cần phải chú trọng đúng mức đến công tác tuyên truyền phổ biến chính sách.
2. – Việc tổ chức cấp giấy chứng nhận giữ vàng
Việc tổ chức cấp giấy chứng nhận do Ủy ban tỉnh đứng ra tổ chức và phụ trách lãnh đạo. Theo thể lệ quy định việc cấp giấy sẽ cấp cho tất cả những người Việt Nam, những kiều dân nước ngoài, cư trú trên đất nước Việt Nam, có từ 5 đồng cân trở lên, bất kỳ vàng lá, vàng cục, vàng nén, vàng thoi, vàng đồ, vàng tây, tiền vàng do các triều đại trước đúc ra, v.v… đều phải xin giấy chứng nhận giữ vàng.
Đối với Ngoại giao đoàn và các chuyên gia các nước bạn sang giúp ta thì mỗi lần mua vàng đã có xin giấy phép của Sở quản lý Ngoại hối vì vậy không đặt vấn đề và đòi hỏi họ phải xin giấy chứng nhận giữ vàng nữa.
Việc cấp giấy giữ vàng theo nghị định số 355-TTg ngày 16-07-1958 của Thủ tướng Phủ sẽ tiến hành trong tất cả các tỉnh; nhưng để làm dần từng đợt, trong đợt đầu này chỉ tiến hành kê khai cấp giấy ở 3 thành phố lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các tỉnh lỵ (thị xã) Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Đông và Hải Dương; còn các nơi khác sẽ tiến hành các đợt sau.
Về tổ chức việc cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân sẽ tiến hành tại các trụ sở Ngân hàng và Ủy ban Hành chính khu phố, thị xã và các xã ngoại thành (thuộc phạm vi thành phố hay thị xã).
Những người có vàng từ 5 đồng cân trở lên trú tại nơi nào thì xin cấp giấy chứng nhận giữ vàng tại nơi đo. Trong thời hạn kê khai cấp giấy người có vàng chỉ được kê khai xin cấp giấy một lần và ở một nơi theo như thể lệ đã quy định, nhưng nếu có trường hợp có người vì kê khai sót mà xét ra không phải gian lậu thì có thể công nhận và ghi thêm vào giấy chứng nhận đã cấp. Một số người trước đấy đã xin cấp giấy, giấy cũ nay so với bây giờ có khác, cho nên phải thông tri cho những người này biết để nộp lại giấy chứng nhận cũ và cấp cho họ giấy mới.
Trường hợp đối với cán bộ công nhân viên ở tập thể hay trong đơn vị bộ đội thì cơ quan hay đơn vị cử người đứng ra nhận đơn và nộp cho Ngân hàng để được cấp giấy. Những người không ở tập thể thì nộp đơn tại Ủy ban Hành chính khu phố hay xã nơi gia đình mình ở.
Các chi nhánh Ngân hàng Quốc gia phối hợp với các Ủy ban Hành chính và tùy theo điều kiện cụ thể mà tổ chức cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân; Chi nhánh Ngân hàng có thể tự nhận đơn và cấp giấy, hoặc có thể ủy nhiệm cho các Ủy ban xã đứng ra nhận đơn, hàng ngày chuyển về Ngân hàng ghi vào giấy chứng nhận rồi chuyển lại Ủy ban giao trả người có vàng hoặc có thể ủy nhiệm hẳn cho Ủy ban xã hay khu phố cấp giấy cho nhân dân.
Muốn được cấp giấy chứng nhận, thì mỗi người có vàng phải làm một đơn ghi đầy đủ chi tiết số vàng mình có để yêu cầu Ngân hàng cấp giấy (đơn này Ngân hàng đã in sẵn để phân phối). Việc ghi chép vào đơn sẽ có bản hướng dẫn riêng.
Việc nộp đơn xin giấy chứng nhận giữ vàng phải thực hiện nhanh, gọn, trong phạm vi thời hạn do Ủy ban Hành chính thành hay tỉnh cùng với Ngân hàng quy định, khi nộp đơn không phải mang vàng đi, mà Ngân hàng căn cứ vào đơn khai để cấp giấy chứng nhận.
Về nguyên tắc thì người có 5 đồng cân trở lên cư trú nơi nào, nộp đơn cho Ủy ban địa phương nơi ấy để được cấp giấy.
Nhưng đối với những người có nhiều vàng nếu muốn xin cấp giấy tại Ngân hàng thì có thể nộp giấy kê khai cho Ngân hàng và được cấp. Những người có vàng xin ở nơi nào chỉ được xin ở một nơi và được cấp một giấy đối với toàn bộ số vàng họ có.