Thứ 4, Ngày 06/11/2024

Chỉ thị 532-TTg năm 1958 về việc cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân kê khai vàng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 532-TTg
Ngày ban hành 11/12/1958
Ngày có hiệu lực 26/12/1958
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 532-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 1958 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN GIỮ VÀNG CHO NHÂN DÂN KÊ KHAI VÀNG

Để tăng cường quản lý các loại kim khí quý, đá quý, ngọc trai, Thủ tướng, Chính phủ đã ra nghị định số 355-TTg ngày 16-07-1958 cấm các hiệu tư doanh và tư nhân buôn bán, tập trung có mục đích đầu cơ, xuất nhập khẩu các loại kim khí quý, đá quý, ngọc trai và dùng các loại ấy để trao đổi giao dịch, mối lái, cầm cố, thanh toán nợ nần.

Cho đến nay, việc quản lý bước đầu đã đem lại kết quả tốt. Việc mua bán, kinh doanh các loại kim khí quý, đá quý, ngọc trai đã thống nhất vào Nhà nước, hiện tượng buôn bán lậu trái phép ngày càng giảm nhiều. Tuy nhiên vẫn còn một số ít người vì lợi ích cá nhân ích kỷ, chưa chịu đi vào con đường làm ăn chính đáng, còn tiếp tục đầu cơ trục lợi, buôn bán lén lút và xuất lậu vàng, gây ảnh hưởng không tốt đến giá trị tiền tệ, đến việc bình ổn vật giá và đời sống của nhân dân.

Cho nên, để ủng hộ những người làm ăn chính đáng, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, phát huy kết quả của việc quản lý thị trường và quản lý tiền tệ, cần phải tích cực chống bọn đầu cơ, thi hành đầy đủ nghị định của Thủ tướng phủ số 355-TTg ngày 16-07-1958, thi hành điều 7 là tiến hành việc cấp giấy chứng nhận giữ vàng cho nhân dân để bảo vệ quyền lợi của người cất giữ và tránh sự gian lận.

Để tránh phiền phức cho nhân dân, chỉ những người có vàng 5 đồng cân, tứ 18 gam 75 trở lên, kể cả vàng ta và vàng tây, mới phải kê khai số lượng vàng mình có và phải xin giấy chứng nhận cất giữ. Những người có dưới 5 đồng cân được miễn làm thủ tục này.

Để thực hiện tốt công tác này, cần phải tiến hành từng bước và có trọng điểm. Cho nên bước đầu sẽ tiến hành ở các thành phố lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và các thị xã như Hải Dương, Hà Đông, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới. Công việc cần phải làm nhanh, gọn và hoàn thành trong tháng 12-1958. Sau khi các thành phố và thị xã nói trên tiến hành xong và thu được kết quả tốt thì ở các thị xã khác, các thị trấn và nông thôn, nơi nào xét có điều kiện, có thể cho tiến hành việc kê khai và cấp giấy chứng nhận cất giữ vàng như đã quy định. Tuy nhiên, trong bước tiến hành ở tám thành phố và các thị xã nói trên, ở các nơi khác, nếu trong nhân dân có người muốn có giấy chứng nhận cất giữ, thì cũng có thể tới Ngân hàng xin cấp giấy. Những người có dưới 5 đồng cân vàng muốn xin cấp giấy chứng nhận, thì cũng được cấp.

Ngân hàng quốc gia Việt Nam sẽ nghiên cứu và quy định thể lệ và biện pháp cụ thể để các địa phương thi hành.

Việc kê khai và cấp giấy chứng nhận cất giữ vàng là một công tác phức tạp, có thể gây sự hiểu lầm trong nhân dân, cho nên cần phải làm cho nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chính sách, thấy rõ là Chính phủ hoàn toàn bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, việc kê khai và xin cấp giấy chứng nhận chỉ có mục đích là ngăn chặn và bài trừ mọi hành động buôn bán lén lút, đầu cơ và xuất lậu vàng.

Các Ủy ban Hành chính các cấp có trách nhiệm lãnh đạo thật chặt chẽ công tác này để thu kết quả tốt về mọi mặt. Cần phải có sự phối hợp mặt thiết giữa cơ quan Đảng, Chính, Dân, Quân trong địa phương để tuyên truyền, giải thích sâu rộng cho nhân dân tích cực và nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị này. Đồng thời, tùy hoàn cảnh địa phương, cần có kế hoạch cụ thể lãnh đạo các chi nhánh Ngân hàng thi hành tốt chỉ thị này, và thể lệ cấp giấy chứng nhận giữ vàng do Ngân hàng quốc gia Việt Nam trung ương ban hành.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
 
 

 
Phạm Văn Đồng