Chỉ thị 22/2013/CT-UBND thực hiện nhiệm vụ năm học 2013-2014 tỉnh Nghệ An

Số hiệu 22/2013/CT-UBND
Ngày ban hành 23/08/2013
Ngày có hiệu lực 02/09/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Đinh Thị Lệ Thanh
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2013/CT-UBND

Nghệ An, ngày 23 tháng 08 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2013 - 2014

Quán triệt Nghị quyết của Đảng và Quốc hội; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII;

Căn cứ Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Chỉ thị số 3004/CT-BGDĐT ngày 15 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục trung cấp chuyên nghiệp năm học 2013 -2014,

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được trong năm học 2012-2013, căn cứ vào tình hình thực tế phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị ngành Giáo dục - Đào tạo Nghệ An cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, năm học 2013 - 2014:

1. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục

Tổ chức rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về giáo dục đào tạo. Tăng cường phân cấp quản lý, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành và địa phương trong quản lý giáo dục; rà soát việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư số 47/2011 của Liên Bộ, tham mưu UBND tỉnh có sự điều chỉnh phù hợp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đối với các loại hình giáo dục.

Rà soát các cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo, bãi bỏ những vấn đề đã lạc hậu, bổ sung những cơ chế, chính sách mới nảy sinh từ thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển giáo dục đào tạo

Thực hiện cải cách hành chính; nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung vốn đầu tư cho những công trình đang xây dựng để hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, chú ý các nội dung mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị dạy học, việc liên kết đào tạo, công tác tuyển sinh, về thu chi, về dạy thêm, học thêm. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục. Công khai và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm

Đẩy mạnh việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội khuyến học, Hội Cựu giáo chức đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Chăm lo thực hiện 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho học sinh; Phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 100% cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục. Tích cực đổi mới công tác thông tin tuyên truyền; Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về giáo dục và đào tạo.

Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đúng Luật Thi đua khen thưởng. Tổ chức tốt việc xét chọn danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 13.

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục

2.1. Nhiệm vụ chung của các cấp học

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị gắn với đặc thù của ngành. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. 

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi để Nghệ An đạt tiêu chuẩn phổ cập năm 2015, củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.

Tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hoá dân tộc. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, pháp luật; giáo dục kĩ năng sống. Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả nền nếp giao ban an ninh trường học theo cụm huyện và các cấp học. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông. Chăm lo công tác bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên; Quan tâm đúng mức công tác vệ sinh, y tế trường học.

Chăm lo chất lượng giáo dục miền núi và dân tộc. Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 và 05 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên địa bàn tỉnh; Phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện vùng cao theo quy hoạch đã phê duyệt. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách để phát triển giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tích cực chuẩn bị đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất để tiếp tục thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ  trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong tất cả các ngành học, bậc học. Đưa nhiệm vụ tự đánh giá và đánh giá ngoài các cơ sở giáo dục thành nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình đổi mới công tác quản lý giáo dục; phấn đấu đạt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đều triển khai tự đánh giá, 10% được đánh giá ngoài.

2.2. Giáo dục mầm non

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015. Phấn đấu thực hiện đúng lộ trình đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi năm 2015. Phát triển quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non hợp lý ở từng địa bàn, chú ý khu vực đô thị, các khu công nghiệp.

Tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, tập trung ưu tiên cho mẫu giáo 5 tuổi. Tăng tỷ lệ trẻ được ăn bán trú  trong các cơ sở giáo dục mầm non. Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Tiếp tục tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số, thực hiện tốt Chương trình giáo dục mầm non.

Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là cơ sở mầm non ngoài công lập. Đảm bảo định mức bố trí giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực chăm lo phát triển giáo dục mầm non.

Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống trường mầm non đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; Trong năm học, phấn đấu kiểm tra, công nhận thêm 25  trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

2.3. Giáo dục phổ thông

[...]