Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2016 về tổ chức hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020
Số hiệu | 21/CT-UBND |
Ngày ban hành | 21/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 21/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Vũ Hồng Bắc |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CT-UBND |
Thái Nguyên, ngày 21 tháng 09 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC HIỆU QUẢ PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh tổ chức hiệu quả phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung chủ yếu sau:
1. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với những nội dung cụ thể trong các chương trình, kế hoạch công tác giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của từng ngành, địa phương, đơn vị.
2. Tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua thường xuyên và các phong trào thi đua theo chuyên đề, tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển; thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, sản xuất hiệu quả dựa trên ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới; phát triển văn hóa - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh; cải cách hành chính; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
3. Đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Tạo môi trường thuận lợi để mọi tập thể, cá nhân hăng hái thi đua, có điều kiện phát huy cao nhất khả năng của mình trong lao động, công tác, học tập. Các phong trào thi đua phải có nội dung và được tổ chức cụ thể. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể để tổ chức, vận động nhân dân và người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Chú trọng xây dựng mô hình điểm; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước, của tỉnh và của các ngành, địa phương, đơn vị, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu ngành, yêu nghề, yêu lao động, ý chí vươn lên của nhân dân và người lao động; tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, nội dung của các phong trào, từ đó xây dựng tinh thần chủ động, tự giác trong thi đua yêu nước. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; tổ chức nghiêm túc việc đánh giá, phân loại kết quả thi đua của các tập thể, cá nhân tham gia thi đua, đảm bảo khách quan, chính xác.
4. Thực hiện tốt quy trình xét tặng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng, đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn. Cùng với khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường khen thưởng và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng theo chuyên đề, đột xuất; khen thưởng các tập thể, cá nhân tại các vùng, lĩnh vực, ngành nghề còn nhiều khó khăn; khen thưởng cho tập thể nhỏ, tập thể ở cơ sở, hộ gia đình và công nhân, nông dân, chiến sỹ, người trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu, phấn đấu ở mỗi cấp, số lượng hộ gia đình, cá nhân là công nhân, nông dân, chiến sỹ, người trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu được khen thưởng chiếm tỉ lệ cao trong tổng số cá nhân được khen thưởng. Tổ chức xét tặng danh hiệu thi đua thường xuyên và hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được cho nông dân, người lao động thuộc phạm vi quản lý của xã, phường, thị trấn. Thực hiện các hình thức động viên khác như: gửi thư khen, tặng cờ lưu niệm, quà lưu niệm, thưởng vật chất, bình chọn và tôn vinh điển hình tiên tiến tiêu biểu...
5. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng. Kịp thời kiện toàn, củng cố Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, tổ chức bộ máy thi đua khen thưởng ở các cấp, ngành. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng để đáp ứng yêu cầu công tác tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền.
6. Các cơ quan chuyên môn và cơ quan thông tin đại chúng tích cực phối hợp nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để truyền tải đầy đủ, kịp thời tới các tầng lớp nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh thi đua yêu nước, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; nội dung, ý nghĩa các phong trào thi đua; nêu gương các tấm gương người tốt, việc tốt, các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả để mọi người học tập, noi theo.
7. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này của các cấp, các ngành và tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn phong trào thi đua yêu nước./.
|
CHỦ TỊCH |