Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Chỉ thị 21/2008/CT-UBND về tăng cường công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 21/2008/CT-UBND
Ngày ban hành 30/06/2008
Ngày có hiệu lực 10/07/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Đức Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2008/CT-UBND

Tam Kỳ, ngày 30 tháng 6 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÁP CHẾ CỦA CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UBND TỈNH VÀ CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 122/2004/NĐ-CP ngày 18/02/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước; Thông tư 07/2005/TT-BTP ngày 31/8/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 122/2004/NĐ-CP; công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn (dưới đây gọi tắt là Sở) và các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu như: bố trí công chức kiêm nhiệm công tác pháp chế, cử cán bộ pháp chế tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Trung ương và tỉnh mở, cử công chức, viên chức pháp chế tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật v.v...

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do đội ngũ làm công tác pháp chế không ổn định, thường xuyên thay đổi vị trí công tác; một số đơn vị bố trí công chức pháp chế kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác pháp chế, cá biệt có một số đơn vị chưa bố trí công chức pháp chế kiêm nhiệm v.v... Do đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác soạn thảo, thủ tục và trình tự ban hành, công tác tự kiểm tra, công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo ngành, lĩnh vực còn nhiều hạn chế; thậm chí có đơn vị vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục, trình tự soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật v.v...

Để chấm dứt tình trạng trên và thực hiện nghiêm túc Nghị định số 122/2004/NĐ- CP của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ thị:

1. Chấn chỉnh, kiện toàn và tăng cường hoạt động của tổ chức pháp chế, đội ngũ làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức pháp chế và đội ngũ cán bộ là công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn theo hướng: các Sở có chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực rộng và phức tạp bố trí công chức pháp chế chuyên trách (hoặc thành lập phòng pháp chế), các Sở còn lại bố trí công chức pháp chế kiêm nhiệm và ổn định lâu dài.

2. Các doanh nghiệp nhà nước, căn cứ nhu cầu công việc có thể chọn một trong 3 mô hình tổ chức pháp chế quy định tại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP để bố trí cán bộ pháp chế cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của đơn vị.

3. Thủ trưởng các Sở tổ chức quán triệt lại Nghị định số 122/2004/NĐ-CP và Thông tư 07/2005/TT-BTP cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình; xác định trách nhiệm và giao nhiệm vụ cho phòng pháp chế (công chức pháp chế) thực hiện đúng chức trách theo quy định của pháp luật; bảo đảm các điều kiện, phương tiện cần thiết cho hoạt động pháp chế; tăng cường công tác chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, tự kiểm tra và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cấp huyện ban hành thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

4. Giám đốc Sở Tư pháp phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các Sở và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các doanh nghiệp nhà nước nhanh chóng kiện toàn tổ chức pháp chế và đội ngũ làm công tác pháp chế; hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế ngành cho đội ngũ làm công tác pháp chế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động pháp chế.

5. Kinh phí phục vụ cho hoạt động pháp chế của các cơ quan, đơn vị được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước giao hàng năm.

6. Thủ trưởng các Sở, Tổng Giám đốc (Giám đốc) các doanh nghiệp nhà nước báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) về: danh sách cán bộ làm công tác pháp chế có mặt đến ngày 30/7/2008; định kỳ 6 tháng một lần báo cáo tình hình biến động của cán bộ pháp chế và hoạt động pháp chế của cơ quan, đơn vị mình để theo dõi và chỉ đạo.

Yêu cầu thủ trưởng các Sở và Tổng Giám đốc (Giám đốc) các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc và báo cáo tình hình tổ chức thực hiện Chỉ thị này về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 31 tháng 12 năm 2008./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải