Chỉ thị 21/2002/CT-UB về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng điều traCơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp thời điểm 1-7-2002 trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà nội ban hành
Số hiệu | 21/2002/CT-UB |
Ngày ban hành | 20/05/2002 |
Ngày có hiệu lực | 20/05/2002 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Phan Văn Vượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2002/CT-UB |
Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CUỘC TỔNG ĐIỀU TRA CƠ SỞ KINH TẾ, HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP THỜI ĐIỂM 1-7-2002 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngày 4 tháng 1 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 05/2002/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra Cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (TĐT CSKT HCSN) vào thời điểm ngày 1 tháng 7 năm 2002 trên phạm vi cả nước.
Mục đích của cuộc Tổng điều tra CSKT HCSN năm 2002 nhằm, thu thập những thông tin cơ bản về các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội, đoàn thể, các hộ kinh tế cá thể... Kết quả Tổng điều tra, đặc biệt là những số liệu về sự phân bố các cơ sở theo loại hình tổ chức, ngành kinh tế, địa bàn cung cấp những tư liệu hữu ích cho việc quản lý, chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2001 - 2010.
Cuộc Tổng điều tra lần này còn là căn cứ để xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê, phục vụ yêu cầu thông tin cho các cuộc điều tra định kỳ hàng năm để tính toán các chi tiêu như GDP, thu nhập bình quân đầu người, vốn đầu tư xã hội, giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ.....
Quy mô của cuộc Tổng điều tra lớn, lực lượng tham gia nhiều, thông tin thu thập được phong phú, bổ ích nhưng quá trình triển khai, thu thập cũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Để thực hiện tốt cuộc TĐT CSKT HCSN trên phạm vi toàn Thành phố, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành Thành phố thực hiện tốt một số việc sau đây :
1. Uỷ ban nhân dân các Quận, Huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt cuộc Tổng điều tra trên địa bàn Quận, Huyện mình theo đúng Phương án của Ban chỉ đạo Tổng điều tra Thành phố.
2. Cục Thống kê Thành phố, cơ quan thường trực Tổng điều tra có trách nhiệm tổ chức, triển khai tập huấn nghiệp vụ, giám sát, kiểm tra... giúp UBND Thành phố chỉ đạo cuộc Tổng điều tra từ khâu chuẩn bị cho đến khi kết thúc.
3. Các Sở, Ngành có các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo Tổng điều tra: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính vật giá, Cục Thuế Hà Nội, Công an Thành phố có trách nhiệm phối hợp tổ chức, chỉ đạo Tổng điều tra, đồng thời theo chức năng và bộ máy của mình có kế hoạch cụ thể chỉ đạo các đơn vị trong ngành ở các cấp tham gia, phục vụ Tổng điều tra theo phương án, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Thành phố.
4. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội, đoàn thể có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình, thực hiện nghiêm chỉnh việc kê khai phiếu điều tra.
5. Sở Văn hoá Thông tin, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và đô thị, Đài Phát thành và Truyền hình Hà Nội phối hợp với ban Chỉ đạo Tổng điều tra Thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng phục vụ cuộc Tổng điều tra.
Uỷ ban nhân dân Thành phố đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương có trụ sở trên địa bàn Hà Nội phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ các điều tra viên đến cơ quan, đơn vị trực hiện nhiệm vụ.
Đây là cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp lần thứ 2 được tiến hành trên phạm vi toàn quốc. Thành phố đang tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt các chương trình kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vì vậy, UBND Thành phố có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ thực hiện tốt cuộc Tổng điều tra này trong phạm vi quản lý của mình.
|
T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |