Chỉ thị 2059/CT-UBND năm 2016 về đẩy mạnh thực hiện biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do tỉnh Hà Giang ban hành
Số hiệu | 2059/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 05/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Sơn |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2059/CT-UBND |
Hà Giang, ngày 05 tháng 9 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ
Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; Công văn số 1330/CV-TU ngày 15/3/2012 của Tỉnh ủy về việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 20/6/2012 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện, chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hòa nhập cộng đồng đã được chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và gia đình đón nhận, giúp đỡ, cho vay vốn, tạo việc làm, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương.
Tuy nhiên, với những kết quả đã đạt được thì cũng không tránh khỏi một số hạn chế như: các cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm; người chấp hành xong án phạt tù sau khi được đặc xá, tha tù trở về địa phương vẫn còn mặc cảm, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn; không có công ăn việc làm ổn định; dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo vi phạm pháp luật, tái phạm tội. Để tạo điều kiện cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập với cộng đồng, cải thiện cuộc sống, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Kế hoạch số 71/KH-UBND của UBND tỉnh đến cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, đơn vị. Xây dựng chương trình công tác, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể được quy định trong Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí, các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật và chỉ đạo của tỉnh về công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù và nhân dân nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Tập trung tuyên truyền những mô hình, cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực về thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
3. Chủ tịch UBND cấp huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp có kế hoạch tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức họp dân và những người chấp hành xong án phạt tù để phổ biến, quán triệt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù để xóa bỏ thái độ định kiến, kỳ thị với người chấp hành xong án phạt tù và quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống tái phạm tội và vi phạm pháp luật; tổ chức cho người chấp hành xong án phạt tù cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định, quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
4. Thủ trưởng các cấp, các ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận đỡ đầu, quản lý, giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa, tiếp nhận những người chấp hành xong hình phạt tù vào làm việc trong các doanh nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ vốn để họ làm ăn kinh tế, ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.
5. Các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng phải làm tốt công tác nắm tình hình hoạt động, diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù để kịp thời giúp đỡ, phản ảnh với cơ quan Công an, UBND cấp xã trong suốt quá trình kể từ khi họ chấp hành xong án phạt tù đến khi được xóa án tích.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm, quan tâm giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống. Khuyến khích nghiên cứu xây dựng Quỹ tái hòa nhập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp theo quy định của pháp luật.
7. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí ngân sách theo quy định của Luật ngân sách nhà nước cho công tác tái hòa nhập cộng đồng, có giải pháp Thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, các nguồn tài trợ cho Quỹ tái hòa nhập cộng đồng.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên cơ sở chức năng nhiệm vụ có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
9. Các ngành Tư pháp, Viện Kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp tư vấn về pháp lý, tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù được xóa án tích, xác định lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật.
10. Công an tỉnh - cơ quan thường trực có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện Chỉ thị này; đồng thời tổng hợp tình hình, kết quả của UBND tỉnh sơ, tổng kết đánh giá việc thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân, giải pháp góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh./.
|
CHỦ TỊCH |