Chỉ thị 19/CT-CT/UBND năm 2012 về tăng cường phòng chống bệnh cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 19/CT-CT/UBND
Ngày ban hành 17/09/2012
Ngày có hiệu lực 17/09/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Tiến Dũng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/CT-CT/UBND

Quảng Bình, ngày 17 tháng 9 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG BỆNH CÚM A(H5N1), TAY CHÂN MIỆNG, SỐT XUẤT HUYẾT

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến ngày 12 tháng 8 năm 2012 cả nước đã ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A(H5N1), 2 tử vong; 76.612 trường hợp mắc tay chân miệng, 41 tử vong; 40.572 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 32 tử vong. Tại tỉnh ta từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 13 trường hợp sốt xuất huyết tại Đồng Hới, Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy; 233 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại các địa phương trong tỉnh.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết tâm hạn chế tỷ lệ mắc và tử vong đến mức thấp nhất trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Y tế: Chỉ đạo hệ thống y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh Nhà nước và tư nhân chuẩn bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền điều trị tích cực ngay tại chỗ cho người bệnh và sẵn sàng chi viện cho tuyến trước.

- Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình tuyên truyền phòng chống các loại bệnh dịch nói trên

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn, các ban ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

- Củng cố và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; tổ chức họp Ban Chỉ đạo thường xuyên nhằm thống nhất các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo từng địa bàn dân cư.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm đầu tiên trong cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch cho người dân hiểu và thực hiện. Tổ chức vệ sinh công sở, khu dân cư, trường học, bệnh viện, chợ... theo định kỳ, thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết; rửa tay bằng xà phòng, phát động phong trào vệ sinh yêu nước tới tận các thôn, xóm. Đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua đội ngũ y tế thôn bản, cán bộ phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, giao trách nhiệm cho trạm y tế xã phường, nhân viên y tế thôn bản phụ trách các hộ dân hướng dẫn cho các gia đình thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Tăng cường trách nhiệm thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh của các bậc phụ huynh, người trông trẻ.

- Tăng cường giám sát phát hiện dịch cúm A(H5N1) trên các đàn gia cầm và có biện pháp xử lý kịp thời để phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người.

- Bố trí kinh phí cho việc chủ động phòng chống dịch bệnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường học tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với các phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng và cách nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết để chủ động phòng tránh. Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc quản lý sức khỏe học sinh, thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch cúm A(H5N1) trên các đàn gia cầm. Kịp thời thông báo cho ngành y tế và chính quyền địa phương để phối hợp xử lý triệt để phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) từ gia cầm sang người.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình, Báo Quảng Bình ưu tiên thời lượng phát sóng, số trang báo để đăng tải các thông tin về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch cho người dân hiểu và thực hiện, đặc biệt tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ.

6. Sở Tài chính có kế hoạch đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết để đảm bảo triển khai các biện pháp phòng chống dịch, xử lý ổ dịch có hiệu quả.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, các hội, đoàn thể và các tổ chức xã hội khác trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các ngành liên quan thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương có biện pháp triển khai hoạt động cụ thể. Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo công tác phòng, chống dịch cho Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tiến Dũng

 

 

11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ