Chỉ thị 19/2015/CT-UBND về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Yên
Số hiệu | 19/2015/CT-UBND |
Ngày ban hành | 14/05/2015 |
Ngày có hiệu lực | 24/05/2015 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Phú Yên |
Người ký | Phạm Đình Cự |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2015/CT-UBND |
Tuy Hòa, ngày 14 tháng 5 năm 2015 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực và đi vào nề nếp. Các tổ hòa giải ở cơ sở đã được thành lập đều khắp ở các thôn, buôn, khu phố. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải ngày càng được nâng lên. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở đã kịp thời giải quyết nhiều vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở chưa được chú trọng; chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số tổ hòa giải có thay đổi thành viên nhưng chưa được kiện toàn, củng cố kịp thời; việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở chưa được thường xuyên; chế độ hỗ trợ cho các tổ hòa giải và hòa giải viên chưa được quan tâm đúng mức…
Nguyên nhân của tồn tại trên là do sự nhận thức và quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; một số UBND xã, phường, thị trấn chưa có sự phối hợp chặt chẽ với UBMTTQ cùng cấp trong việc kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; hầu hết, UBND các xã, phường, thị trấn chưa bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định; hoạt động của tổ hòa giải có lúc, có nơi còn mang tính hình thức.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở
1.1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và nội dung của Luật Hòa giải ở cơ sở cho cán bộ, nhân dân; phát huy trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác hòa giải ở cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống. Tuyên truyền, hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở và hòa giải theo quy định của Luật Đất đai trong giải quyết tranh chấp đất đai để tránh sự nhầm lẫn hoặc đồng nhất hai hoạt động hòa giải nêu trên, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của những người liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.
1.2. Đề nghị UBMTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tổ chức triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan trong hệ thống của mình nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở cũng như việc phối hợp thực hiện quản lý, kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải.
2. Củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở
2.1. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo rà soát, thống kê tình hình tổ chức, số lượng hòa giải viên làm cơ sở đánh giá và nhân rộng mô hình hòa giải ở cơ sở đã hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua; tiếp tục củng cố, kiện toàn và thành lập thêm các tổ hòa giải đối với những thôn, buôn, tổ dân phố có nhu cầu thành lập mới phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, đặc điểm dân cư, bảo đảm mỗi thôn, buôn, tổ dân phố có ít nhất một tổ hòa giải và mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên là nữ. Riêng đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Việc bầu, công nhận hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải phải đảm bảo tiêu chuẩn, thực hiện theo đúng quy định tại Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan.
2.2. Sở Tư pháp:
- Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đề xuất việc đầu tư trang bị sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn; nghiên cứu áp dụng rộng rãi việc xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật đặt tại Trụ sở thôn, buôn, khu phố tạo điều kiện để các hòa giải viên tìm hiểu, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.
- Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về công tác hòa giải cho các Hòa giải viên.
2.3. Đề nghị UBMTTQ, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi của tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan Tư pháp cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho thành viên, hội viên và nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động hòa giải.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở
3.1. Cơ quan Tư pháp tỉnh, cấp huyện, cán bộ Tư pháp - hộ tịch cấp xã:
- Chủ động làm tốt công tác tham mưu UBND cùng cấp trong thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải cơ sở tại địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở.
- Đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên đảm bảo thiết thực, hiệu quả; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư.
- Biên soạn và cung cấp thường xuyên những tài liệu về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải, sổ tay hòa giải chuyên đề về các lĩnh vực có nhiều mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.
- Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” định kỳ 05 năm một lần.
3.2. Khuyến khích đội ngũ luật sư, luật gia và những người am hiểu pháp luật tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3.3. Phấn đấu hàng năm có trên 90% tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 80%. Việc hòa giải phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
3.4. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên cấp tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cấp dưới của mình phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở tại địa phương.
4. Đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở
4.1. UBND các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở. Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết số 122/2014/NQ- HĐND ngày 12 tháng 12 năm 2014 của HĐND tỉnh quy định nội dung chi, mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
4.2. Huy động kinh phí từ nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước (nếu có) và thực hiện đúng theo sự thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân tài trợ đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam.