Chỉ thị 19/2008/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do tỉnh Bình Phước ban hành
Số hiệu | 19/2008/CT-UBND |
Ngày ban hành | 11/11/2008 |
Ngày có hiệu lực | 21/11/2008 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Phước |
Người ký | Trương Tấn Thiệu |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2008/CT-UBND |
Đồng Xoài, ngày 11 tháng 11 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM
Những năm qua công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khá tốt. Các quyền của trẻ em cơ bản được bảo đảm. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm rõ rệt, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục được tăng cường; việc xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ em được đẩy mạnh. Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010 của chính quyền các cấp đã được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực. Tình hình đời sống, văn hóa, tinh thần của trẻ em được cải thiện đáng kể so với những năm trước đây.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, trẻ em bị xâm hại tình dục, thất học, bỏ học vẫn còn xảy ra và có nguy cơ gia tăng; các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em còn thiếu; một số cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo; bộ máy làm công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn có nhiều biến động; đặc biệt đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng tác viên tại cộng đồng không còn thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về trẻ em trong những năm tới đạt kết quả cao hơn; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; Chỉ thị số 55-CT/TW ngày 28 tháng 6 năm 2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em; Kế hoạch số 20/KH-TU ngày 07 tháng 11 năm 2000 của Tỉnh ủy Bình Phước về việc thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW của Bộ Chính trị, Công văn số 4334/LĐTBXH-TE ngày 20 tháng 11 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em; Công văn số 3435/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26 tháng 9 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chỉ đạo củng cố bộ máy tổ chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã thực hiện:
- Chỉ đạo việc kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em các cấp đủ mạnh để kiểm tra, giám sát thực hiện quyền trẻ em, phòng ngừa những vi phạm quyền trẻ em, xâm hại đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng của trẻ.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt quan tâm lĩnh vực bảo vệ trẻ em, chú ý đến đối tượng trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cao, nâng cao trách nhiệm của gia đình đối với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con em mình.
- Chỉ đạo triển khai có hiệu quả chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001 - 2010; các chương trình “Phẫu thuật nụ cười”, “Ánh mắt trẻ thơ”, “Phẫu thuật tim bẩm sinh”… Các đề án thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Đề án “Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” tỉnh Bình Phước giai đoạn 2007 - 2010; Đề án “Can thiệp y tế cho trẻ em khuyết tật” tỉnh Bình Phước giai đoạn 2007 - 2010; Đề án “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” giai đoạn 2008 - 2010; Đề án “Xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em” giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn 2015.
2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình lồng ghép và đưa các mục tiêu vì trẻ em vào kế hoạch và các chương trình phát triển của ngành. Tích cực triển khai “Tháng hành động vì trẻ em” hàng năm; Sở Y tế đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các Chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí trẻ em dưới 6 tuổi, phòng chống tai nạn thương tích, mô hình “Ngôi nhà an toàn”. Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và mô hình “Trường học an toàn”, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài Phát thanh - Truyền hình, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, Thông tấn xã Việt Nam (Phân xã Bình Phước), Báo Bình Phước… tăng cường tuyên truyền các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về các chính sách có liên quan đến trẻ em: “Công ước Quốc tế về quyền trẻ em”, “Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em”, chương trình hành động vì trẻ em của chính quyền các cấp; chú trọng đưa tin “Người tốt việc tốt”, các gương điển hình tiên tiến, mô hình điểm dành cho trẻ em ở các địa phương….
4. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh, hàng năm phân bổ kinh phí cho việc triển khai các chương trình mục tiêu, các đề án liên quan đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các chương trình đối ứng của các bộ, ngành trung ương để đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã có kế hoạch tổ chức triển khai Chỉ thị này, kiện toàn và củng cố hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em từ huyện đến cơ sở. Hàng năm có báo cáo đánh giá rút kinh nghiệm.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trên và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để theo dõi, chỉ đạo. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |