Chỉ thị 18/1999/CT-UB-VX về tăng cường công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 18/1999/CT-UB-VX
Ngày ban hành 06/07/1999
Ngày có hiệu lực 06/07/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phạm Phương Thảo
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 18/1999/CT-UB-VX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 07 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM.

Chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Vệ sinh an toàn thực phẩm có tác dụng trực tiếp, thường xuyên, lâu dài đối với sức khỏe, ảnh hưởng đến nòi giống của con người. Thực phẩm không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn trước mắt có thể gây ngộ độc cấp tính và các bệnh đường tiêu hóa cho người sử dụng, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong và về lâu dài khi tích lũy dần các độc tố trong cơ thể sẽ phát sinh các bệnh nguy hiểm có thể gây dị dạng, dị tật cho thế hệ sau.

Để bảo vệ sức khỏe của nhân dân và bảo vệ nòi giống của dân tộc, để triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc : “Tăng cường công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, ỦY ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và trước mắt là triển khai “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”, từ ngày 08/7/1999 đến 08 tháng 8 năm 1999.

Mục tiêu của tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm :

- Giáo dục, vận động toàn dân hiểu rõ mục đích của công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm để chủ động đề phòng ngộ độc thực phẩm.

- Thay đổi các thói quen tập quán không hợp vệ sinh.

- Tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ăn uống trong việc thực hiện các quy định hiện hành về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng thực phẩm sản xuất tiêu dùng trong nước và nhập khẩu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, ỦY ban nhân dân thành phố yêu cầu các cấp chính quyền, các Sở, Ban, Ngành, các Tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông thực hiện các hoạt động cụ thể sau :

1- Sở Y tế thành phố :

a) Là đầu mối phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, các Tổ chức chính trị xã hội trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện và duy trì các kết quả hoạt động của : “Tháng hành động vì chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”. Hướng dẫn, xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức kiểm tra và tuyên truyền giáo dục về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ trì tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện.

b) Triển khai việc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Xây dựng kế hoạch hành động hàng năm và 5 năm về bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Kế hoạch và kinh phí hàng năm của hoạt động này được bổ sung vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Sở Y tế.

2- Sở Văn hóa-Thông tin thành phố :

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông dành thời lượng thông tin thích đáng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

3- Công an thành phố :

Thường xuyên phối hợp với Ngành Y tế và các ngành chức năng khác trong việc kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các chủ cơ sở và kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm Nghị định 36/CP ngày 29/5/1995 về “đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị” trong việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nơi buôn bán, kinh doanh thực phẩm ; phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan điều tra xử lý các vụ làm thực phẩm giả gây hậu quả nghiêm trọng.

4- Sở Thương mại thành phố :

Chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường chủ động và phối hợp với Ngành Y tế kiểm tra, xử lý việc bán, lưu thông các thực phẩm giả, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về bao bì, nhãn hiệu thực phẩm.

5- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố :

- Phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường tổ chức phổ biến sâu rộng yêu cầu và các quy trình sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc chuyên ngành, phân bón hóa học tới người sử dụng để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

- Chỉ đạo Chi Cục Thú y có kế hoạch cụ thể trong kiểm tra giết mổ gia súc, vệ sinh thú ý.

6- Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường thành phố :

- Chủ trì cùng các Sở liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành và phổ biến các quy định, quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường ở những vùng, những cơ sở sản xuất thực phẩm, nông sản, thủy sản. Chỉ đạo các cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, có hướng khắc phục về giữ gìn vệ sinh môi trường.

- Chỉ đạo Chi Cục- Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thành phố lập kế hoạch hoạt động để quản lý chất lượng, vệ sinh các mặt hàng thủy sản, thức ăn chăn nuôi trong các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh tiêu thụ trên thị trường.

7- Các Sở, Ngành chủ quản của các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống :

Chỉ đạo các cơ sở này thực hiện nghiêm túc các quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

[...]