Chỉ thị 1788/CT-BNN-TCTL năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và cho thuê môi trường rừng đặc dụng, phòng hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 1788/CT-BNN-TCTL |
Ngày ban hành | 10/03/2020 |
Ngày có hiệu lực | 10/03/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Nguyễn Xuân Cường |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1788/CT-BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2020 |
Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ; đến nay đã thành lập 395 khu rừng đặc dụng, phòng hộ quản lý 6,75 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp tập trung ở khu vực có hệ sinh thái đặc trưng trên cạn, trên biển, đất ngập nước giữ vai trò hết sức quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu; công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, đã từng bước phát huy giá trị môi trường, cảnh quan thông qua các hoạt động dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái (DLST) góp phần tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.
Tuy vậy, công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ vẫn còn những tồn tại: tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa được chú ý đúng mức; đầu tư chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế môi trường rừng bền vững để tạo nguồn tài chính đầu tư lại rừng, chủ yếu hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn vẫn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước.
Để phát triển bền vững, đúng quy định của pháp luật đối với hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và cơ quan quản lý ở địa phương rà soát, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ bản hoàn thành việc cắm mốc giới lâm phận trong năm 2020; xử lý nghiêm những trường hợp sử dụng đất rừng đặc dụng, phòng hộ không đúng mục đích; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.
b) Thực hiện chủ trương xã hội hóa để thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng theo đúng quy định của pháp luật, không làm tổn hại sinh thái rừng; bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm việc kiểm soát chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
c) Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật; triển khai các giải pháp chống chặt phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm.
d) Kiện toàn tổ chức Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trong các Ban quản lý rừng, đảm bảo hoạt động có hiệu quả đúng theo quy định của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
đ) Có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các dịch vụ môi trường rừng, DLST bền vững theo quy định của pháp luật nhằm tạo nguồn thu ổn định để đầu tư lại cho công tác bảo vệ rừng và chủ trương tự chủ của các Ban quản lý rừng.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổng cục Lâm nghiệp
- Tổ chức đánh giá, đề xuất giải pháp về hoạt động tổ chức DLST tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên toàn quốc, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong Quý IV năm 2020.
- Tổ chức rà soát quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ cùng với việc lập Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch và Chiến lược Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
- Khẩn trương hệ thống hóa cơ chế, chính sách hiện hành; xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp; trong đó có lĩnh vực quản lý và phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ.
- Xây dựng Chương trình đầu tư công phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 để triển khai, thực hiện thay thế Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 – 2020 hết hiệu lực.
b) Vụ Kế hoạch phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn lập, phê duyệt các dự án đầu tư lâm nghiệp, nhất là đối với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
c) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp rà soát quy định hiện hành của nhà nước, hướng dẫn các địa phương về mô hình tổ chức bộ máy của Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ hiệu quả, thống nhất trong toàn quốc, đồng thời phù hợp với phân hạng các khu rừng đặc dụng, phòng hộ và điều kiện thực tiễn vùng, miền, địa phương.
d) Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chú trọng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học về rừng đặc dụng, phòng hộ phù hợp với từng vùng sinh thái.
3. Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ
a) Khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung; xây dựng quy hoạch phát triển bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
b) Tổ chức các hoạt động theo đúng quy định của pháp luật về Lâm nghiệp, nhất là các hoạt động bảo vệ rừng, chống chặt phá rừng, quản lý đất đai và tổ chức DLST.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
|
BỘ TRƯỞNG |