Chỉ thị 177-TTg năm 1995 những biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 177-TTg
Ngày ban hành 20/03/1995
Ngày có hiệu lực 04/04/1995
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 177-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 3 năm 1995

 

CHỈ THỊ

VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG 

Trong mấy năm gần đây, ở nhiều nước trên thế giới đã xẩy ra nhiều vụ cháy rừng lớn, tiêu huỷ hàng vạn ha, gây nên những thiệt hại to lớn về tài sản và tính mạng con người.

Ở nước ta, trong mấy năm qua, nạn cháy rừng vẫn xảy ra nghiêm trọng; hàng năm vẫn còn hàng ngàn ha rừng bị cháy. Theo báo cáo của Bộ Lâm nghiệp, trong năm 1994 diện tích rừng bị cháy chưa giảm so với năm 1993; nhiều tỉnh vẫn bị cháy rừng lớn như: Minh Hải, Kiên Giang, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh... đã thiêu đốt tài nguyên của đất nước trị giá hàng trăm tỷ đồng; nhiều vụ cháy rừng đã đe doạ nghiêm trọng sự an toàn đối với các công trình xây dựng của Nhà nước như hệ thống điện cao áp, kho tàng, nhà cửa; đồng thời còn gây nên những tác hại rất lớn về môi trường sinh thái. Mặt khác, ngân sách của Nhà nước phải chi cho chương trình phủ xanh đồi núi trọc (chương trình 327) mỗi năm hàng trăm tỷ đồng; nếu không ngăn chặn kịp thời nạn cháy rừng, đốt rừng (kể cả phá rừng) thì rất khó hoàn thành được mục tiêu này.

Việc xảy ra cháy rừng có nhiều nguyên nhân; trước hết, do nhân dân chưa có ý thức đầy đủ về công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình về việc phòng cháy, chữa cháy rừng; Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban Nhân dân các cấp còn xem nhẹ công tác này; lực lượng kiểm lâm chưa thực sự bám sát rừng và các trọng điểm dễ cháy. Các địa phương hầu như không có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Các Bộ, cơ quan có liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, còn xem đây là việc riêng của ngành lâm nghiệp.

Hiện nay, nhiều vùng như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... thời tiết rất khô hạn, lại sắp bước vào mùa nương rẫy, khả năng cháy rừng, thậm chí cháy với quy mô lớn rất dễ xảy ra. Để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chặn đứng nạn cháy rừng, đốt rừng, nhất là trong mùa khô sắp tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có rừng phải thực hiện ngay những điều sau đây:

1/ Ngay từ mùa khô này trở đi phải thường xuyên có biện pháp cụ thể nhằm chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng:

- Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn các địa phương xác định các loại rừng, các địa bàn trọng điểm dễ cháy rừng, các công trình trọng điểm dễ bị nạn cháy rừng uy hiếp và chỉ đạo lực lượng kiểm lâm các cấp bố trí cán bộ bám sát những đối tượng nói trên; thực hiện chế độ tuần tra, canh phòng nghiêm ngặt, nhất là trong suốt mùa khô.

- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có rừng, căn cứ hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp, phải trực tiếp xem xét phương án cụ thể về phòng cháy, chữa cháy rừng của địa phương mình và khẩn trương chỉ đạo thực hiện phương án đó trước mùa khô.

Ở những địa phương đã từng xảy ra cháy rừng và có nhiều khu rừng trọng điểm dễ bị cháy hoặc có các công trình dễ bị cháy rừng uy hiếp phải thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã để giúp Uỷ ban Nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như chỉ đạo phòng chống bão, lụt. Tại Bộ Lâm nghiệp (Cục Kiểm lâm) phải có bộ phận thường xuyên theo dõi, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong suốt mùa khô.

- Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành liên quan khác theo chức năng và nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Lâm nghiệp trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng và chỉ thị cho các đơn vị thuộc ngành mình ở có rừng, phải có phương pháp phòng cháy rừng và chủ động tham gia chữa cháy rừng.

2/ Khi xảy ra cháy rừng:

- Mọi tổ chức và cá nhân, kể cả các chủ rừng, khi phát hiện cháy rừng có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Uỷ ban Nhân dân địa phương, cơ quan kiểm lâm, công an và đơn vị vũ trang nơi gần nhất để tham gia ứng cứu. Các chủ rừng phải chủ động tổ chức chữa cháy rừng và chịu trách nhiệm về rừng do mình quản lý bị cháy.

- Các cơ quan, đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn phải có trách nhiệm chủ động tổ chức lực lượng và phương tiện tham gia ứng cứu, chữa cháy rừng.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp được quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện tại chỗ để chữa cháy rừng. Mọi tổ chức và cá nhân phải chấp hành lệnh huy động về người và phương tiện để chữa cháy rừng. Ai không chấp hành lệnh huy động thì tuỳ theo mức độ phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.

- Sau khi dập tắt lửa rừng, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan kiểm lâm và công an cùng cấp phải điều tra, tìm ra nguyên nhân và xử lý thật nghiêm những thủ phạm gây ra cháy rừng, khen thưởng thích đáng những cá nhân, đơn vị phát hiện kịp thời và có nhiều thành tích trong việc chữa cháy rừng.

- Bộ Tài chính căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Lâm nghiệp sử dụng khoản ngân sách dự bị cấp phát ngay cho Bộ Lâm nghiệp và các địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả nạn cháy rừng.

3/ Phải tổ chức tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đưa công tác này vào nền nếp và chấm dứt nạn đốt rừng làm rẫy:

- Ngay từ năm 1995, Bộ Lâm nghiệp phải tổ chức hệ thống mạng lưới dự báo cháy rừng từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và ban hành quy trình, quy phạm phòng, chữa cháy rừng; hướng dẫn các chủ rừng lập phương án phòng cháy, chữa cháy; có kế hoạch xây dựng các công trình phòng cháy, chữa cháy; trang bị các phương tiện tuần tra, thông báo cháy rừng; tổ chức lực lượng kiểm lâm chuyên trách về phòng cháy, chữa cháy và lực lượng quần chúng tham gia ứng cứu khi cần thiết.

Theo hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp, các chủ công trình, cơ quan, kho tàng... ở trong rừng và ven rừng phải xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy để bảo vệ công trình, cơ quan, kho tàng... của mình.

- Bộ Lâm nghiệp chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi... chỉ đạo các tỉnh xây dựng quy hoạch và tổ chức việc đưa đón dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện việc giao đất, khoán rừng cho hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào trong việc vay vốn, cây con giống, hướng dẫn các phương thức canh tác tiến bộ để phát triển sản xuất và ổn định đời sống, sớm chấm dứt nạn đốt rừng làm rẫy; chỉ đạo và kiểm tra Uỷ ban Nhân dân các cấp xem xét, thu hồi rừng để giao khoán cho người khác bảo vệ nếu chủ rừng cũ thiếu trách nhiệm để rừng bị cháy.

4/ Về tổ chức thực hiện:

- Bộ Lâm nghiệp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xét duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho các địa phương; tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhất là trong thanh thiếu niên và học sinh ý thức phòng cháy, chữa cháy rừng, trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi tổ chức của công dân trong việc bảo vệ tài nguyên quốc gia; phát động phong trào xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng trong thanh, thiếu niên và học sinh; hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các cấp và tổ chức chuyên ngành thực hiện tốt Chỉ thị này; sau mùa khô hàng năm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Các Bộ Nội vụ, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Năng lượng, Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, Tổng cục Du lịch và các Bộ, ngành có liên quan khác trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lâm nghiệp chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ