Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2022 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 17/CT-UBND
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 30/12/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN QUÝ MÃO 2023 VUI TƯƠI, LÀNH MẠNH, AN TOÀN, TIẾT KIỆM

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; nhằm chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế

a) Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 09/12/2022 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 14/11/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão và các sự kiện chính trị, lễ hội lớn năm 2023.

b) Thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, Lễ hội,... Dành thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, nhân sĩ, trí thức, người có uy tín trong cộng đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn,..

c) Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, đặc biệt là những việc tồn đọng do nghỉ Tết, những việc liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân. Không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả của công việc; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định, không tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan.

d) Thực hiện chỉ đạo của các Bộ, ngành chủ quản, khẩn trương triển khai những nhiệm vụ cần thiết theo Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy định số 08-/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương đối với người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và kỷ luật, kỷ cương hành chính.

đ) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thông tin tuyên truyền và kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các chợ, điểm mua bán, siêu thị,...trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về đầu cơ, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp Lễ, Tết để tăng giá, thu lợi bất chính.

2. Sở Công Thương

a) Triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 08/12/2022 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường; rà soát, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, hàng hóa có nhiều biến động như xăng dầu để kịp thời đề xuất giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt gãy nguồn hàng gây sốt giá, bất ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

c) Chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ động tập trung nguồn lực để dự trữ và lưu thông hàng hóa phục vụ Lễ, Tết, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu và mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nhu cầu thị trường với giá cả hợp lý kết hợp với triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, các chương trình kích cầu tiêu dùng, hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.

d) Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra giám sát chặt chẽ cung ứng điện, xây dựng phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; chú trọng công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu công nghiệp, khu dân cư, khu vui chơi.

3. Sở Tài chính

Tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để chủ động kiểm soát ổn định thị trường giá cả, tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đời sống kinh tế - xã hội theo Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 12/12/2022 của Bộ Tài chính, cụ thể là:

a) Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn trước, trong và sau Tết, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân trên địa bàn: nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, dịch vụ du lịch, tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... và các mặt hàng thiết yếu khác liên quan đến sản xuất để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, có phương án điều tiết, hỗ trợ lưu thông nguồn hàng hợp lý, đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

b) Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện niêm yết giá, kê khai giá trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

c) Phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm, triệt để, có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; chống thất thu, gian lận thuế, giảm nợ đọng thuế; tập trung quản lý chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm, đúng chế độ.

d) Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường phù hợp trên địa bàn. Tổ chức thực hiện, triển khai nghiêm túc chế độ báo cáo giá thị trường trước, trong và sau Tết”.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ động theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo đảm ổn định sản xuất, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi tại các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại; hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định cho các địa phương để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân.

b) Rà soát, có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao; có kế hoạch bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng vật tư nông nghiệp, nguyên liệu nông sản, lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhất là thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tránh tình trạng thiếu hàng, gây sốt giá, bất ổn thị trường; đề xuất giải pháp ổn định giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

c) Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.

d) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản tuân thủ các quy định bảo đảm vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm.

đ) Tăng cường kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập; có kế hoạch bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2022-2023. Chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng và nghiêm túc thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; có biện pháp ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

5. Sở Y tế

a) Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra vào dịp đầu năm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; theo dõi, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời triệt để các dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài trong cộng đồng. Tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc xin covid-19; tăng cường các biện pháp tuyền thông trong phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng covid-19.

[...]