Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý và chấn chỉnh tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 17/CT-UBND
Ngày ban hành 27/09/2017
Ngày có hiệu lực 27/09/2017
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Trần Châu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/CT-UBND

Bình Định, ngày 27 tháng 9 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ CHẤN CHỈNH TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Trong thời qua, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp; các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, tuân thủ theo Luật khoáng sản 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản hiện nay vẫn còn những hạn chế như: Tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước về khoáng sản vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, một số doanh nghiệp chưa tuân thủ thiết kế mỏ, khai thác ngoài khu vực cấp phép, chưa thực hiện nghiêm công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là trong khai thác đá, cát sỏi lòng sông.

Nguyên nhân những tồn tại nêu trên trước tiên do chủ mỏ chưa chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản; một số địa phương còn buông lỏng quản lý hoạt động khoáng sản, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản chưa kịp thời, thiếu kiên quyết; một số nơi chính quyền cấp xã thiếu trách nhiệm để doanh nghiệp lợi dụng việc thực hiện các dự án để khai thác khoáng sản không đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó sự phối hợp của một số ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản chưa đồng bộ, thường xuyên.

Để khắc phục tình trạng trên, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm của các ngành, đặc biệt là UBND cấp huyện, xã trong công tác đấu tranh phòng ngừa khai thác khoáng sản trái phép và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin Truyền thông, Đài phát thanh và truyền hình Bình Định, Báo Bình Định và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khoáng sản.

- Chủ trì rà soát, và đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản thay thế, bãi bỏ các văn bản trước đây có liên quan đến hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp quy định pháp luật hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan hằng năm xây dựng dự toán chi tiết Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện; hằng năm phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác do UBND cấp huyện lập.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đề xuất UBND tỉnh thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường nghiêm trọng, các dự án khai thác khoáng sản không triển khai hoạt động quá 12 tháng nhưng không có lý do chính đáng. Không xem xét, đề xuất cấp phép khai thác khoáng sản, gia hạn giấy phép cho các trường hợp dây dưa, chây ì, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

- Phối hợp với Cục Thuế Bình Định kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Hằng năm thực hiện việc thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản.

2. Sở Công Thương:

- Chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở các dự án khai thác khoáng sản, trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Kiểm tra, chấn chỉnh sự tuân thủ của chủ dự án trong quá trình thực hiện theo nội dung đã thẩm định.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các ngành liên quan thẩm định và kiểm tra các dự án chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh (trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh), phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy và bảo đảm môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép.

3. Công an tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND cấp huyện kiểm tra và xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó tập trung truy quét, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại và xuất khẩu khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng cấp huyện thường xuyên kiểm tra, xử lý những hành vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

4. Sở Xây dựng:

- Chủ trì tổ chức thẩm định công nghệ các dự án khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và nguyên liệu xi măng trên địa bàn tỉnh đảm bảo công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường và phù hợp quy hoạch khoáng sản. Kiểm tra, chấn chỉnh sự tuân thủ của chủ dự án trong quá trình thực hiện theo nội dung đã thẩm định.

- Đề xuất phát triển sản xuất các chủng loại vật liệu không nung thay thế gạch nung và cát lòng sông trong lĩnh vực xây dựng.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện thanh tra, kiểm tra công tác trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân và xử lý các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Thủy lợi kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép gây thiệt hại đến rừng, đất lâm nghiệp, các công trình thủy lợi.

- Kiểm tra, xử lý việc lợi dụng cải tạo đồng ruộng để khai thác đất sét làm gạch ngói trái phép.

6. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt; hằng năm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định Phương án bảo vệ khoáng sản do UBND cấp huyện lập.

- Tăng cường thẩm tra nguồn gốc các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp, sử dụng cho các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách khi thanh quyết toán; không thanh, quyết toán đối với khối lượng khoáng sản mà không xuất trình được các chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

- Phối hợp với Cục Thuế tỉnh rà soát các khoản thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp để chính quyền địa phương công bố cho người dân biết.

[...]