Chỉ thị 17/2007/CT-UBND thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trên địa bàn thành phố do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 17/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 16/07/2007
Ngày có hiệu lực 26/07/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/2007/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 07 năm 2007 

 

CHỈ  THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 79/2007/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CẤP BẢN SAO TỪ SỔ GỐC, CHỨNG THỰC BẢN SAO TỪ BẢN CHÍNH, CHỨNG THỰC CHỮ KÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Ngày 18 tháng 5 năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Nghị định này thay thế các quy định về chứng thực bản sao, chữ ký trong Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực.

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn, đông dân, có nhu cầu chứng thực cao, đa dạng, do đó, để triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả Nghị định số 79/2007/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân xã - phường - thị trấn

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - phường - thị trấn có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện tốt việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP;

b) Bố trí đủ cán bộ có trình độ để giúp việc cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - phường - thị trấn trong công tác cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; Bảo đảm thường xuyên có người trực nhận, giải quyết kịp thời và đúng quy định các yêu cầu về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký của người dân;

c) Bảo đảm phương tiện vật chất cần thiết cho công tác cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký; 

d) Báo cáo tình hình cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký tại địa phương cho Ủy ban nhân dân quận - huyện (thông qua Phòng Tư pháp) theo định kỳ 6 tháng và hàng năm.

2. Phòng Tư pháp quận - huyện

a) Tổ chức thực hiện tốt việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài hoặc song ngữ (tiếng Việt và tiếng nước ngoài); chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và các văn bản, giấy tờ song ngữ theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.

b) Được đóng dấu của Phòng Tư pháp khi chứng thực các việc theo quy định tại Nghị định số 79/2007/NĐ-CP; con dấu của Phòng Tư pháp không được sử dụng cho các việc không thuộc công tác chứng thực theo Nghị định số 79/2007/NĐ-CP;

c) Đối với việc chứng thực chữ ký của người dịch:

- Người dịch phải chứng minh được mình thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch theo một trong các tiêu chuẩn sau:

+ Có bằng Đại học ngoại ngữ (hoặc cao hơn) về tiếng nước ngoài cần dịch;

+ Có bằng Đại học khác (hoặc cao hơn) mà thông thạo tiếng nước ngoài cần dịch;

- Để đáp ứng nhu cầu của người dân về dịch thuật, các Phòng Tư pháp được xây dựng đội ngũ cộng tác viên dịch thuật trên cơ sở cộng tác viên hiện có của các Phòng Công chứng và theo các tiêu chuẩn nêu trên; Thông báo công khai danh sách cộng tác viên dịch thuật. Phòng Tư pháp quận - huyện phải quản lý đội ngũ cộng tác viên dịch thuật của mình.

Đối với các yêu cầu chứng thực chữ ký của người dịch không phải là cộng tác viên, các Phòng Tư pháp căn cứ theo tiêu chuẩn về trình độ người dịch nêu trên để chứng thực chữ ký theo quy định của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP.

- Không thực hiện chứng thực chữ ký của người dịch trong các trường hợp sau đây:

+ Bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;

+ Giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt hoặc đã bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;

+ Giấy tờ có xác định độ mật của cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế; giấy tờ bị cấm phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.  

d) Khi chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu thấy cần thiết phải làm rõ nội dung giấy tờ, văn bản thì người thực hiện chứng thực đề nghị người yêu cầu chứng thực xuất trình bản dịch tiếng Việt của văn bản tiếng nước ngoài đó; Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch.  

đ) Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp đăng ký chữ ký và con dấu tại Sở Ngoại vụ thành phố để phục vụ cho việc hợp pháp hóa lãnh sự trong các trường hợp cần thiết; 

e) Phòng Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân quận - huyện thực hiện các việc sau:

- Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Ủy ban nhân dân xã - phường - thị trấn về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;

- Kiểm tra, thanh tra việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân xã - phường - thị trấn;

[...]