Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2022 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 do tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 15/CT-UBND
Ngày ban hành 16/08/2022
Ngày có hiệu lực 16/08/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đức Trung
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Nghệ An, ngày 16 tháng 8 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2023

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 với các nội dung chủ yếu sau:

A. NHIỆM VỤ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

I. Yêu cầu

1. Đối với đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

a) Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thông qua.

b) Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát thực tiễn và có sự so sánh với kết quả thực hiện của năm 2021; nêu rõ những kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2022), khó khăn, hạn chế; phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với những hạn chế, yếu kém và đề ra bài học kinh nghiệm.

2. Đối với xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023

a) Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 của tỉnh phải phù hợp với Chiến lược phát triển KTXH 2021-2030 và phương hướng phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của cả nước; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025.

b) Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là các địa phương) phải phù hợp với Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh và của các địa phương, các quy hoạch có liên quan theo pháp luật về quy hoạch; phù hợp với đặc điểm, thực tiễn phát triển của từng ngành, địa phương và bảo đảm tính kết nối vùng, kết nối với các địa phương lân cận; bám sát những dự báo, đánh giá tình hình và bối cảnh thời gian tới; bảo đảm sự kế thừa những thành quả đã đạt được, có sự đổi mới và tiếp thu, tiếp cận xu hướng phát triển chung cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH.

Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các cấp, các ngành; gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công.

c) Việc đề xuất các chỉ tiêu theo ngành, lĩnh vực phụ trách: (i) phải thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải đảm bảo tính chính xác, đồng bộ và thống nhất về thông tin, số liệu thống kê, phục vụ tốt công tác theo dõi, đánh giá và xây dựng kế hoạch; (ii) bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, phục vụ mục đích nghiên cứu; (iii) bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ; (iv) bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ và phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; (v) phù hợp với thông lệ.

II. Nội dung chủ yếu

1. Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022

Trên cơ sở tình hình triển khai thực hiện 7 tháng đầu năm, các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 của các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác, nêu rõ các công việc đã triển khai, kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2022), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan để có biện pháp khắc phục. Trong đó:

- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh đánh giá theo các nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 139-KL/TU ngày 03/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh, Quyết định số 5067/QĐ-UBND ngày 24/12/2021 của UBND tỉnh về giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 18/01/2022 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2022.

- Các địa phương đánh giá theo các nhiệm vụ được giao theo kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ và HĐND cùng cấp về kế hoạch phát triển KTXH năm 2022.

2. Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức; giá cả nguyên vật liệu sản xuất, lạm phát có nguy cơ gia tăng. Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát; quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã được phát huy; Chương trình phục hồi và phát triển KTXH tiếp tục được triển khai; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên,... Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các vấn đề về già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, áp lực lạm phát,... Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

a) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro trong nước và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH; trong đó đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, chính sách phòng chống dịch Covid-19 và thương mại của các đối tác, khả năng kiểm soát dịch Covid-19 trong nước và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH,...

b) Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

c) Chỉ tiêu chủ yếu năm 2023: Các sở, ban, ngành và địa phương căn cứ kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã đề ra; trên cơ sở phân tích tình hình thực tế và dự báo các yếu tố liên quan để xây dựng chỉ tiêu, phương án tăng trưởng của tỉnh, ngành, lĩnh vực và địa phương đảm bảo phù hợp và khả thi.

d) Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu

- Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được; không chủ quan, lơ là; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Xây dựng cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, bám sát thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển quê hương, đất nước.

- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết, Quyết định về phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển KTXH. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.

- Quán triệt chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát huy giá trị văn hóa và con người xứ Nghệ trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển KTXH. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

[...]