Chỉ thị 15/2008/CT-UBND về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh liệt sỹ, người có công và phong trào "đền ơn đáp nghĩa" do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu | 15/2008/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/03/2008 |
Ngày có hiệu lực | 18/03/2008 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Nguyễn Ngọc Thiện |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2008/CT-UBND |
Huế, ngày 08 tháng 03 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THƯƠNG BINH LIỆT SỸ, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ PHONG TRÀO "ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA".
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TW ngày 14 tháng 12 năm 2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào "đền ơn đáp nghĩa"; trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đã tăng cường lãnh chỉ đạo, tổ chức vận động cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước bằng những hành động thiết thực như: đóng góp tiền của, công sức xây dựng sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ già yếu cô đơn và thân nhân của 2 liệt sĩ; giúp nhau trong sản xuất dịch vụ làm kinh tế, hoàn thành cơ bản tồn đọng về chính sách sau chiến tranh; góp phần ổn định chính trị xã hội, tăng thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới, tạo nên nét đẹp truyền thống văn hóa mới trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công với cách mạng ở một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên và đúng mức, còn để xảy ra tiêu cực gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Phong trào "đền ơn đáp nghĩa" phát triển chưa đồng đều, đời sống một bộ phận gia đình người có công còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng. Trước tình hình đó, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, Chính quyền phải tiếp tục làm tốt công tác quan trọng này.
Năm 2008 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, là năm kỷ niệm lần thứ 61 ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2008). Để tổ chức các hoạt động kỷ niệm có hiệu quả thiết thực theo tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TW ngày 14 tháng 12 năm 2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội - kinh tế thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng hơn nữa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong thời kỳ mới của đất nước. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" và tăng cường giáo dục về lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ cách mạng tiền bối, các Anh hùng Liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc; đồng thời phát huy tốt truyền thống yêu nước của dân tộc, phát huy những thành quả đạt được đối với công tác thương binh, liệt sỹ và người có công trong suốt 61 năm qua.
2. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công để những người thực sự có công với cách mạng được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đối với người có công với cách mạng từ cấp cơ sở đến tỉnh, người đứng đầu ở các cấp phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban Nhân dân tỉnh về công tác quản lý nhà nước của mình trong lĩnh vực thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công cách mạng.
3. Thực hiện chi trả đúng, đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách ở các cấp để có biện pháp phòng ngừa; đồng thời xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng, cố ý làm trái trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
4. Đẩy mạnh cuộc vận động "toàn dân chăm sóc gia đình người có công với cách mạng" và phong trào "đền ơn đáp nghĩa"; lồng ghép các nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, việc làm, dạy nghề và vận động mọi nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa nhà ở; giúp nhau phát triển sản xuất làm kinh tế giỏi; tổ chức dạy nghề và tạo việc làm, ưu tiên ưu đãi trong học tập, đỡ đầu con liệt sĩ và chú trọng nhân tài để phát triển nguồn nhân lực cho xã hội; đảm bảo ổn định đời sống, mức sống từng bước được nâng lên. Đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách còn nhiều khó khăn để vượt nghèo, người có công với cách mạng đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng để có đời sống ổn định.
5. Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác để tiếp tục chăm sóc chỉnh trang, nâng cấp tu bổ sửa chữa phần mộ liệt sỹ và các công trình tưởng niệm liệt sĩ bảo đảm ổn định lâu dài; báo tin các phần mộ liệt sỹ đến gia đình và thân nhân liệt sỹ. Di chuyển hài cốt liệt sỹ về quê hương theo nguyện vọng của thân nhân, Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức lễ đón nhận, an táng chu đáo trân trọng.
6. Uỷ ban Nhân dân huyện, thành phố Huế có kế hoạch hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, đoàn thể địa phương mình tổ chức các hoạt động kỷ niệm 61 năm ngày Thương binh Liệt sỹ, là năm tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Thương binh Liệt sỹ, người có công và phong trào "đền ơn đáp nghĩa". Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm các hoạt động chu đáo, an toàn, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và mang tính giáo dục sâu sắc truyền thống đạo lý của dân tộc.
Với tinh thần trách nhiệm đạo lý "uống nước nhớ nguồn" thể hiện tình cảm sâu sắc, Uỷ ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể chính trị, đơn vị kinh tế - xã hội, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành phố Huế trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình để tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này và báo cáo kết quả về Uỷ ban Nhân dân tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |