Chỉ thị 15/2007/CT-TTg về giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 15/2007/CT-TTg
Ngày ban hành 22/06/2007
Ngày có hiệu lực 28/07/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2007/CT-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM THÚC ĐẨY  ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Trong những năm gần đây, với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ của Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP của Chính phủ về "Tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nước ngoài thời kỳ 2001-2005" và các Chỉ thị số 19/2001/CT-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2001 và số 13/2005/CT-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ; môi trường đầu tư của nước ta không ngừng được cải thiện và càng trở lên hấp dẫn hơn. Nhờ đó, hoạt động đầu tư nước ngoài đã vượt qua giai đoạn suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, từng bước phục hồi và tăng nhanh từ năm 2004. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư gián tiếp của nước ngoài cũng đã có xu hướng gia tăng đáng kể, nhất là từ sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cùng các nghị định hướng dẫn có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu huy động vốn lớn bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Tiến độ triển khai cũng như chất lượng của một số dự án đầu tư còn hạn chế, vốn đầu tư thực hiện còn thấp so với vốn đăng ký, chưa đẩy mạnh chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến vào nước ta.

Chủ trương tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thể hiện trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước và tiếp tục khẳng định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: "Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phấn đấu đạt trên 1/3 tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm (2006-2010). Mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức thu hút FDI, hướng vào những thị trường giàu tiềm năng và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài".

Bước vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, mặc dù phải đối phó với không ít khó khăn thách thức, nhưng nước ta đang có những thời cơ, thuận lợi mới, rất to lớn cho việc tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài:

Một là, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng cao, ổn định, bền vững. Riêng năm 2006 mức tăng GDP trên 8,17%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 40 tỷ đô la Mỹ; môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện đã khiến luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng trở lại từ năm 2004 và hiện đang xuất hiện một làn sóng đầu tư mới vào nước ta, tiếp tục tạo đà cho sự tăng trưởng cao trong những năm tới.

Hai là, với các sự kiện Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổ chức thành công Hội nghị APEC 14, Quốc hội Hoa kỳ thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam, thành công của các chuyến thăm làm việc song phương, đa phương của lãnh đạo cấp cao nước ta thời gian qua, đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ba là, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng được tập trung xây dựng và hoàn thiện, trong đó hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh đã có những bước tiến quan trọng, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, ngày càng thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư kinh doanh một cách có hiệu quả tại Việt Nam.

Bốn là, Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; là một thị trường đang phát triển nhiều tiềm năng với dân số trên 80 triệu người và tương lai không xa là 100 triệu, đồng thời là một cửa ngõ thông thương thuận lợi với thị trường nhiều nước thành viên ASEAN. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế thế giới tiếp tục chiều hướng tích cực. Những trung tâm kinh tế lớn của thế giới hoặc đã qua giai đoạn suy thoái, bước vào thời kỳ ổn định hoặc đang tiếp tục đà phát triển mạnh, đều đang có nhu cầu gia tăng mạnh mẽ hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Các yếu tố trên là những tiền đề quan trọng tạo nên những cơ hội mới, thuận lợi mới để đẩy mạnh thu hút làn sóng đầu tư vào nước ta. Tuy vậy, để tận dụng tốt thời cơ, cần phải tập trung nỗ lực khắc phục những mặt còn hạn chế đối với hoạt động đầu tư, như việc thực thi pháp luật, chính sách, chất lượng kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, thủ tục hành chính và hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.

I. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Nhằm tranh thủ cơ hội mới, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương tiến hành một số giải pháp chủ yếu và công việc cụ thể sau đây:

1. Về công tác quy hoạch

a) Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án.

b) Quán triệt và thực hiện thống nhất các quy định mới của Luật Đầu tư trong công tác quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm không phù hợp với các cam kết quốc tế.

c) Hoàn chỉnh và công bố rộng rãi quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư.

2. Về xây dựng và thực thi chính sách pháp luật

a) Tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh; rà soát luật pháp, chính sách, sửa đổi hoặc bãi bỏ các ưu đãi, trợ cấp không phù hợp với quy định của WTO, cam kết quốc tế và có giải pháp bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Tăng cường tập huấn, phổ biến nội dung và lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam. Ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư đối với dự án xây dựng công trình phúc lợi phục vụ người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, bảo đảm tương thích với luật pháp hiện hành.

b) Theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư để kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Chấn chỉnh tình trạng ban hành và áp dụng các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trái với quy định của pháp luật.

3. Về xúc tiến đầu tư

a) Hoàn thiện, công bố Danh mục dự án quốc gia về kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 hướng tới năm 2020 (có phân kỳ 2006-2010). Xây dựng chương trình vận động đầu tư tại địa bàn trọng điểm và các tập đoàn xuyên quốc gia tiềm năng; chú trọng ngành công nghiệp phụ trợ của một số ngành (chế tạo, lắp ráp, dệt may, da giầy) và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với nhu cầu và quy hoạch phát triển ngành, địa phương.

b) Ban hành Quy chế xây dựng và thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007-2010 để bảo đảm kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại và du lịch. Khẩn trương điều chỉnh các mục tiêu, cơ chế và tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ xuất khẩu (thành lập theo Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ) phù hợp nguyên tắc của WTO và pháp luật hiện hành. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam, kết hợp các chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước với hoạt động xúc tiến đầu tư; tổ chức tốt các hội thảo ở trong nước và nước ngoài; nâng cao chất lượng tài liệu xúc tiến đầu tư và trang thông tin điện tử về đầu tư nước ngoài. Tổ chức tốt "Những ngày Việt Nam ở nước ngoài".

c) Tăng cường các đoàn vận động đầu tư làm việc trực tiếp với các tập đoàn lớn, tại một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài để kêu gọi đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng. Chủ động tiếp cận và hỗ trợ hiệu quả các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

d) Khẩn trương đặt bộ phận xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài. Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch các cấp, ở trong nước lẫn đại diện ở nước ngoài nhằm đồng bộ và nâng cao hiệu quả của các hoạt động này.

4. Khắc phục tình trạng yếu kém về kết cấu hạ tầng

a) Rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tăng cường công tác quy hoạch, thực thi các quy hoạch cũng như thu hút đầu tư vào các công trình giao thông, năng lượng.

b) Tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường (xử lý chất thải rắn, nước thải); hệ thống đường bộ cao tốc, trước hết là tuyến Bắc - Nam, hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc; nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt, trước hết là đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt hai hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, đường sắt nối các mỏ khoáng sản lớn với hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt nội đô thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng điện từ, các loại năng lượng mới (sức gió, thủy triều, năng lượng mặt trời); trước mắt, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất.

[...]