Chỉ thị 142-CT công tác phòng, chống lụt, bão năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Số hiệu | 142-CT |
Ngày ban hành | 25/04/1987 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/1987 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142-CT |
Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 1987
1. Tập trung sức hoàn thành kế hoạch đắp đê, sửa kè, sửa cống kịp thời hạn. Kiểm tra chặt chẽ các công trình phòng, chống lụt, nhất là kiểm tra lại hệ thống cống dưới đê và có biện pháp xử lý khẩn trương những sự cố. Tổ chức tốt công tác hộ đê theo phương châm 4 tại chỗ. Chuẩn bị tốt việc phòng, tránh lũ ở các khu phân, chậm lũ, các vùng trong đê bối, bờ bao và phòng, tránh lũ núi. Kết hợp chặt chẽ chống lũ và chống úng. Có kế hoạch bảo vệ các hồ chứa nước như hộ đê. Nghiêm túc vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình đã duyệt. Tập trung chỉ đạo hoàn thành các hạng mục công trình vượt lũ đang xây dựng. Riêng đối với công trình Hoà Bình và Trị An phải bảo đảm đắp đập đến cao trình đã định và có kế hoạch sẵn sàng phòng chống lũ.
Đi đôi với công tác phòng, chống lũ, lụt phải coi trọng công tác phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới và lốc. Phải rút kinh nghiệm công tác phòng, chống bão trong những năm qua để có kế hoạch bảo vệ người và tài sản một cách cụ thể cho từng địa phương, nhất là đối với các tầu thuyền đánh cá và vận tải, các kho tàng và khu dân cư ven biển và các cửa sông, các công trình trọng điểm và trên cao điểm.
Đề cao cảnh giác, chống địch phá hoại.
2. Để chủ động phòng, chống lụt, bão từng xí nghiệp, công, nông, lâm trường, từng xã, ấp, từng cơ sở, hợp tác xã phải có kế hoạch tổ chức lực lượng, dành vật tư và kinh phí để phòng, chống lụt, bão, gắn chặt kế hoạch sản xuất, kinh doanh với kế hoạch phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất.
Các cấp huyện, tỉnh và các ngành cần tập trung lực lượng, kinh phí, vật tư, phương tiện vào các hướng trọng điểm ngay trong kế hoạch Nhà nước của cấp mình và ngành mình. Khi có thiên tai nghiệm trọng cần có chủ trương và biện pháp kiên quyết huy động lực lượng , vật tư, phương tiện có thể huy động trên địa bàn theo thẩm quyền của cấp, của ngành mình để chiến thắng thiên tai, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả, không thụ động chờ cấp trên.
3. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, chú trọng làm tốt hơn công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới vùng gần đất liền nước ta và dự báo mưa, lũ ở các sông ngắn, nhất là các sông ở miền Trung, Đông Nam Bộ và miền núi phía bắc. Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, nhanh chóng từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã và ngược lại. Chú ý củng cố mạng lưới thông tin phục vụ việc dự báo khí tượng thuỷ văn và các công trình phân, chậm lũ.
4. Uỷ ban Nhân dân các cấp, Thủ trưởng các ngành, các cơ quan và đơn vị cơ sở phải coi phòng, chống lụt, bão là công tác trọng điểm của các cấp và ngành mình trong mùa mưa bão, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và cấp trên theo chức năng và thẩm quyền của cấp, của ngành mình; phải báo cáo kịp thời lên cấp trên về diễn biến của thiên tai và công tác phòng, chống lụt, bão.
Phải củng cố Ban chỉ huy chống lụt, chống bão các cấp, các cơ quan thường trực và các lực lượng chuyên trách, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác và tổ chức tốt cách làm việc, bảo đảm phối hợp mọi lực lượng cần thiết, giúp cấp uỷ và chính quyền cấp mình chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão có hiệu quả trong mọi tình huống.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, Thành phố và Thủ trưởng các ngành Trung ương thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này và báo cáo kết quả thực hiện lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương. Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương và Uỷ ban Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương và các ngành thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
|
Võ Văn Kiệt (Đã ký)
|