Chỉ thị 14/CT-UBND năm 2011 tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản do tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 14/CT-UBND
Ngày ban hành 29/04/2011
Ngày có hiệu lực 29/04/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CT-UBND

Hà Giang, ngày 29 tháng 4 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều cố gắng đưa vào nền nếp, phân định trách nhiệm cụ thể giữa các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi từng bước phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, môi sinh, an toàn lao động, bảo vệ an ninh quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan và từng bước tăng cường thiết lập trật tự khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đi vào hoạt động đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết được nhiều việc làm và thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và thực tế hiện nay việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Một số tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật như chưa có thiết kế khai thác mỏ; chưa ký hợp đồng thuê đất, ký quỹ phục hồi môi trường; không bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đúng quy định; không báo cáo định kỳ theo quy định về tình hình hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; tình trạng mất an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, sử dụng phương tiện vận tải với tải trọng lớn làm hệ thống giao thông hư hỏng nặng do hoạt động khai thác khoáng sản chưa được khắc phục; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chưa được thực hiện thường xuyên, kém hiệu quả; lợi ích của địa phương nơi có khai thác khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó tình trạng khai thác khoáng sản trái phép với nhiều hình thức, mức độ khác nhau vẫn còn tái diễn và diễn ra hết sức phức tạp…

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản, góp phần đưa công tác này đi vào nền nếp, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khoáng sản trong nhân dân; đồng thời phải có biện pháp hữu hiệu bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý triệt để ngay từ đầu tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức và cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản tại địa phương nhằm bảo đảm môi trường, an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tính mạng tài sản và sức khỏe của nhân dân trong khu vực khai thác.

b) Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án tổng thể về bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn mình quản lý; khi phát hiện việc hoạt động khoáng sản trái phép phải báo cáo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để có biện pháp tổ chức lực lượng ngăn chặn và xử lý kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp không ngăn chặn, không xử lý mà bị phát hiện hoặc để xảy ra nhiều lần, thường xuyên trên cùng một địa bàn, gây bức xúc trong nhân dân, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phường, thị trấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phải kiểm điểm làm rõ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo kịp thời và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động khoáng sản theo đúng quy hoạch được duyệt; cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định có liên quan; yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản mà chưa có dự án chế biến sâu hoặc không có điều kiện chế biến sâu phải tập trung nguyên liệu để bán cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh để chế biến, nhằm phát huy giá trị, hiệu quả của tài nguyên khoáng sản, nghiêm cấm việc xuất khẩu khoáng sản thô không đúng quy định của pháp luật.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong việc thẩm định, lập dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định tại Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và các quy định khác có kiên quan.

Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản chưa lập, thẩm định, phê duyệt Dự án cải tạo phục hồi môi trường, chưa ký quỹ môi trường, phục hồi môi trường phải hoàn thành xong trước ngày 30 tháng 6 năm 2011.

c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ trật tự an toàn xã hội và an toàn lao động, nộp phí bảo vệ môi trường và bảo đảm cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác, ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.

d) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành thực hiện định kỳ 02 lần/một năm hoặc đột xuất tại các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản vi phạm các quy định về môi trường, đất đai, khoáng sản…; kiên quyết đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh, sản xuất khoáng sản trái phép, không đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật; đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép, thu hồi giấy phép hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

đ) Nghiên cứu và đề xuất cơ chế, quy định, giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo hướng gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và quyền lợi của người dân địa phương nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản.

3. Sở Công Thương

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức lực lượng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

b) Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, nhất là các doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ, thực hiện đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ điều hành mỏ và công nhân kỹ thuật nổ mìn.

d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra và kiên quyết đình chỉ các mỏ không thực hiện các quy định trong thiết kế mỏ về khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản đã được phê duyệt.

4. Sở Xây dựng

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/2008/CT-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác các mỏ đá nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác và Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác vật liệu xây dựng thông thường và quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác đá. Phối hợp với các ngành có liên quan xác định nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, nhất là nhu cầu cát, sỏi phục vụ tại địa phương để Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch khai thác khoáng sản hàng năm với sản lượng tương ứng.

b) Trong quá trình thẩm định các hồ sơ lập quy hoạch xây dựng khu dân cư tập trung, công trình cố định thuộc các khu vực có tài nguyên khoáng sản đã được điều tra, đánh giá hoặc được thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản thì trong thành phần hồ sơ phải yêu cầu chủ đầu tư bổ sung văn bản của cơ quan có thẩm quyền về quản lý khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thẩm định hồ sơ xin cấp phép hoạt động khoáng sản tại khu vực có liên quan đến hành lang an toàn của các công trình thủy lợi, công trình phòng chống lụt, bão, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản liên quan đến hành lang an toàn của các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống lụt, bão, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giao thông vận tải

[...]